Chuyển đổi số cho phép doanh nghiệp giảm tới 80% chi phí giao dịch và quản lý

(SHTT) - Báo cáo từ McKinsey & Company cho biết, bằng việc ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động, các doanh nghiệp có thể giảm từ 30-80% chi phí giao dịch và quản lý, đồng thời, làm tăng đáng kể khả năng tiếp cận thị trường.

Chiều 9/9, phiên chuyên đề “Chuyển đổi số doanh nghiệp vừa và nhỏ hướng tới phát triển thương mại điện tử” của hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử 2021, ông Nguyễn Kim Hùng - Viện trưởng Viện Khoa học Quản trị Doanh nghiệp và Kinh tế số Việt Nam (VIDEM) đã có những chia sẻ về thực trạng chuyển đổi số của các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay.

Ông Hùng cho rằng, chuyển đổi số là chuyển đổi toàn diện về mô hình, cơ cấu tổ chức, quy trình,... để thích ứng với cách thức kinh doanh mới của doanh nghiệp, từ đó áp dụng công nghệ để số hóa, hướng tới 3 mục tiêu là: Tối ưu hóa quy trình hoạt động, nâng cao trải nghiệm khách hàng và tạo ra mô hình kinh doanh mới.

Tuy nhiên, thời gian qua, quá trình chuyển đổi số trong các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu. Cụ thể, theo báo cáo của Cục thống kê, năm 2016 có 10% và năm 2019 có 30% doanh nghiệp bắt đầu quá trình chuyển đổi số từ bước nghiên cứu, tìm hiểu đến triển khai.

Báo cáo năm 2019 của Cisco về "Chỉ số phát triển kỹ thuật số của doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực châu Á - Thái Bình Dương" cũng chỉ ra, tại Việt Nam, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đối mặt với nhiều tình trạng như: Thiếu kỹ năng số và nhân lực; nền tảng công nghệ thông tin chưa đủ mạnh để cho phép chuyển đổi kỹ thuật số; thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong doanh nghiệp. 

 

"Theo báo cáo phân tích của Forrester (công ty nghiên cứu thị trường của Mỹ - PV), trong số những doanh nghiệp được khảo sát, chỉ có 11% thành công, 89% còn lại là thất bại trong quá trình chuyển đổi số", ông Hùng cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí giao dịch và quản lý từ 30 - 80% (số liệu từ McKinsey & Company); tăng khả năng tiếp cận thị trường và các cơ hội kinh doanh mới, dựa trên công nghệ số như thương mại điện tử, kinh doanh số, phân tích dữ liệu, nhà máy thông minh, thành phố thông minh,... 

Doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số sẽ tăng khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực, tham gia hệ sinh thái kinh tế điện tử kết hợp sản xuất trong các lĩnh vực tài chính, y tế, thương mại, kinh doanh bất động sản,...

"Ứng dụng công nghệ hiện đại sẽ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và cung cấp sản phẩm - dịch vụ với chất lượng cao hơn, cải tiến quy trình; tăng năng suất lao động, bảo vệ môi trường từ đó sẽ tăng lực cạnh tranh", ông Hùng chia sẻ.

Bên cạnh cơ hội, doanh nghiệp chuyển đổi số cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Đầu tiên, doanh nghiệp phải thay đổi mô hình kinh doanh, tổ chức quản trị, văn hóa kinh doanh và loại hình doanh nghiệp. Ngoài ra, nguồn vốn và giải pháp đầu tư vào hệ thống công nghệ thông tin cũng rất lớn.

Chưa kể việc hình thành nhiều công ty dịch vụ trung gian sẽ khiến mức độ cạnh tranh khốc liệt hơn, nhất là khi mức độ hiểu biết của khách hàng, đối tác và cơ quan quản lý về kinh doanh số còn hạn số.

Hiện nay hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam thiếu nhân lực chất lượng cao, chuyên gia công nghệ thông tin. Trong khi đó, để đáp ứng được quá trình chuyển đổi số nhanh hơn, cần yêu cầu về kiến thức, kỹ năng và trình độ của nhân lực phải khác đi và cao hơn.

Cùng với đó là các rủi ro về công nghệ thông tin tăng, như an ninh mạng, thanh toán, dữ liệu, vấn đề bảo mật,...

Nhật Linh