Việt Nam phát triển thành công hệ thống tạo oxy và khí nén y tế di động

(SHTT) - Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng oxy y tế tăng cao để phục vụ công tác điều trị cho bệnh nhân Covid-19, mới đây, nhóm kĩ sư của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã hợp tác cùng với các doanh nghiệp, chế tạo thành công hệ thống tạo oxy và khí nén di động.

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến nhu cầu sử dụng oxy y tế tại Việt Nam tăng cao đột ngột, hỉ trong vòng 3 tuần, các kĩ sư thuộc Viện Kỹ thuật Hóa học (Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội) đã hoàn tất nghiên cứu và phát triển thành công hệ thống tạo oxy và khí nén di động có tên gọi NOVAO2-Mobile System.

Mỗi trạm sản xuất oxy tế di động được nằm gọn trong một container và có thể dễ dàng lưu động tới bất cứ địa điểm nào 

Với quy mô chỉ nằm gọn trong 1 chiếc container và có khả năng di động cao, dễ dàng di chuyển, nhanh chóng và chủ động vận hành đáp ứng ngay lập tức nhu cầu oxy y tế trong điều trị cho bệnh nhân.

Hệ thống bao gồm các thiết bị lọc thô, lọc tinh, bình chứa khí nén, thiết bị làm giàu oxy và bình chứa oxy. Không khí khi đi qua hệ thống này sẽ được tách Nitơ, oxy được làm giàu đạt tới nồng độ 93% cộng trừ 3% đáp ứng tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới về nồng độ oxy sử dụng trong y tế.

Theo nghóm nghiên cứu, mỗi trạm NOVAO2-Mobile System có khả năng cung cấp oxy cho một khu hồi sức 20 giường bệnh, hoặc từ 40-60 bệnh nhân nặng cần thở oxy. 

PGS.TS Vũ Đình Tiến, Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Hóa học, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, hiện các bệnh viện dã chiến lớn đều dùng oxy được hóa lỏng từ các nhà máy khí công nghiệp. Do hạn chế trong vận chuyển, đóng bình, việc cung cấp oxy không đủ, gây ảnh hưởng tới điều trị bệnh nhân và F0 cách ly tại nhà.

“Trong thiết bị này có 2 cột vật liệu Zeolite. Khi nén không khí vào cột thứ nhất với áp suất cao, khí nitơ sẽ được giữ lại trong mao quản của vật liệu hấp phụ và thu được oxy. Khi cột thứ nhất đã bão hòa nitơ sẽ chuyển sang làm việc với cột thứ hai, khi đó cột thứ nhất sẽ thực hiện quá trình tái sinh để chuyển khí nitơ ra ngoài. Quá trình đó sẽ được lặp đi lặp lại tạo nên chu trình hấp phụ thay đổi áp suất”, PGS.TS Vũ Đình Tiến thông tin thêm.

Mỗ trạm NOVAO2-Mobile có khả năng cung cấp oxy cho 40-60 bệnh nhân Covid-19 nặng cùng lúc

Ưu điểm nữa của hệ thống này chính là tính hiệu quả và cơ động. Do hệ thống tạo oxy trực tiếp từ khí trời, tích hợp chung với thiết bị tạo khí nén nên khi vận chuyển đến các bệnh viện dã chiến có thể vận hành ngay lập tức. Hệ thống có thể cung cấp nguồn oxy và khí nén cho nhiều máy oxy dòng cao hoặc sử dụng trực tiếp cho hàng chục bệnh nhân đang điều trị trong cùng một lúc. Hệ thống còn được bổ sung tính năng IoT để kết nối, giám sát và điều khiển từ xa để đảm bảo quả trình vận hành thông suốt. Nhóm nghiên cứu cũng cho biết, nếu đưa vào sản xuất hàng loạt với quy mô lớn, mỗi trạm tạo oxy di động có thể được hoàn thiện trong vòng từ 1-2 tuần.

Hiện 2 trạm hệ thống tạo oxy và khí nén di động đã được hoàn thiện và chuẩn bị để vận chuyển vào Bình Dương và Đồng Nai, phục vụ điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 nặng. Đây là sự bổ sung hết sức kịp thời và cần thiết, hỗ trợ hiệu quả cho công tác điều trị bệnh nhân Covid-19, giảm số ca bệnh có diễn tiến nặng và có nguy cơ tử vong.

Trong thời gian tới, nếu nhu cầu sử dụng mô hình container sản xuất oxy lưu động tăng cao, nhóm nghiên cứu sẽ chuyển giao toàn bộ mẫu thiết kế, quy trình sản xuất cho các đơn vị về cơ khí trên toàn Việt Nam, để mọi người đều song song tiến hành sẽ có thể sản xuất hàng chục hệ thống container, hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu trong trường hợp khẩn cấp cần nhiều hệ thống.

An An