Những ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong nghệ thuật

(SHTT) - Các sản phẩm trí tuệ nhân tạo đang ngày càng có tầm ảnh hưởng, vượt mặt con người không chỉ trong nhiều công việc mà đang dần “lấn sân” sang lĩnh vực sáng tạo, nghệ thuật.

 Trí tuệ nhân tạo hiểu được cảm xúc của bức tranh

Panos Achlioptas - ứng viên tiến sĩ ngành khoa học máy tính tại Đại học Stanford (Mỹ) và đồng nghiệp phát triển một tập dữ liệu gọi là ArtEmis, gồm 81.000 bức tranh trên WikiArt và 440.000 phản hồi ghi lại cảm nhận của hơn 6.500 người khi ngắm các tác phẩm nghệ thuật. Dùng những phản hồi này, Giáo sư Leonidas Guibas - người đứng đầu nhóm của Achlioptas dạy máy tính cách đọc hiểu tác phẩm nghệ thuật thị giác và cách lột tả cảm xúc bằng ngôn từ. Giờ đây ArtEmis có thể đưa ra cảm nhận cho tất cả thể loại tranh từ chân dung, tĩnh vật đến trừu tượng. 

 

Thuật toán máy tính phân loại tranh của nghệ sĩ thành 8 loại cảm xúc như kinh ngạc, thích thú, sợ hãi, buồn bã... rồi giải thích vì sao bức tranh gợi lên cảm xúc như vậy.

Thuật toán còn có khả năng giải mã những cảm xúc khác nhau trong cùng một bức tranh.

ArtEmis đủ tinh vi để nhận biết ý đồ nghệ thuật của họa sĩ có thể thay đổi tùy vào bối cảnh của bức tranh. Mặt khác, công cụ cũng nhận thức được tính chủ quan trong cảm nhận nghệ thuật.

Họa sĩ dùng trí tuệ nhân tạo để biến nhân vật hoạt hình thành “người thật”

Các nhân vật hoạt hình “quen mặt” sẽ trông như thế nào khi hoá thành người thật? Để tìm câu trả lời, nghệ sĩ người Mỹ với biệt danh ToyboyFan đã nhờ đến sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo để biến những bức tranh của các nhân vật hoạt hình Disney trở thành những chân dung người thật.

 

Để có được 15 bức chân dung của các công chúa hoàng tử Disney, đầu tiên ToyboyFan sử dụng một bức ảnh chân dung của nhân vật hoạt hình Disney, rồi tìm kiếm một hình ảnh người thật có những nét tương đồng với nhân vật. ToyboyFan sau đó sẽ sử dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo để kết hợp hai hình ảnh này lại với nhau, rồi tiếp tục sử dụng phần mềm đồ họa Photoshop để chỉnh sửa lại hình ảnh kết quả, giúp bức ảnh trông thật và hoàn chỉnh hơn.

Với sự chung tay của trợ lý AI, những nhân vật nổi tiếng của Disney như nàng tiên cá Ariel, anh chàng Aladdin, cô nàng Belle xinh đẹp của “Người đẹp và quái vật”… trông xinh đẹp và cuốn hút với phiên bản “người thật”. Nhiều người còn nhầm tưởng đây là ảnh chụp từ người thật chứ không phải sản phẩm từ các nhật vật hoạt hình.

Thuật toán AI vẽ tranh

Bức tranh Chân dung của Edmond Belamy được bán với giá 432,500 đô la trong một phiên đấu giá cuối tháng 10 tại nhà đấu giá danh tiếng Christie’s. Tại góc phải bên dưới của bức tranh, nơi các họa sĩ thường kí tên, lại là một dòng thuật toán máy tính. Chân dung của Edmond Belamy đánh dấu lần đầu tiên một bức tranh với tác giả là một thuật toán được đấu giá và bán thành công.

 

Có thể thấy trí tuệ nhân tạo là một trong những bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển các cách thức lột tả cảm xúc từ người nghệ sĩ. Có lẽ, ta sẽ được nó dẫn dắt đến một chân trời tương lai hoàn toàn xa lạ, nơi mà sự sáng tạo được góp sức bởi cả con người lẫn máy móc.

Hà Trang