"Tinh thần khởi nghiệp phải là ý chí phấn đấu"

Đây là khẳng định của ông Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng trong buổi "Giao lưu và kết nối khởi nghiệp dành cho thanh niên - sinh viên Lâm Đồng" tổ chức sáng 6/5.

Gia tăng doanh nghiệp khởi nghiệp

Ông Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: Tỉnh Lâm Đồng có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển lâm nghiệp và du lịch. Đặc biệt, trong thời gian qua, kinh tế - xã hội của tỉnh đã có những thay đổi ấn tượng ở một số mặt như công nghệ cao, du lịch xanh, phát triển nông thôn mới. Góp phần tạo ra sự thay đổi đó là tỉnh đã ban hành những chủ trương, chính sách đầu tư tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giúp họ nhanh chóng tiếp cận được với tín dụng, đất đai, thủ tục đầu tư, xây dựng…

 Ông Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng

"Số lượng doanh nghiệp của tỉnh nhà đã tăng khá nhanh trong 5 năm qua, trung bình mỗi năm tỉnh Lâm Đồng có 800 doanh nghiệp mới được thành lập, trong đó có từ 30 - 40 doanh nghiệp được thành lập theo hình thức khởi nghiệp từ vườn ươm khởi nghiệp của các trường đại học, cao đẳng và từ sự khuyến khích, động viên của các đoàn thể, Hiệp hội Doanh nghiệp. Với những thay đổi mạnh mẽ về môi trường đầu tư, cũng như sự ra đời của các doanh nghiệp khởi nghiệp hàng năm nên lãnh đạo tỉnh đã dành nhiều sự quan tâm tới các bạn thanh niên, sinh viên khởi nghiệp". - ông Đa nói.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có

Ông Đa thông tin thêm: Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh hồi tháng 6/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: “Lâm Đồng phấn đấu là một trong những địa phương đi đầu trong khởi nghiệp, phấn đấu tăng nhanh số lượng doanh nghiệp ít nhất gấp 2 lần hiện nay, góp phần cùng cả nước thực hiện mục tiêu có tối thiểu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020”.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra Quyết định ban hành đề án hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020. Sự ra đời của đề án sẽ góp phần nâng cao số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được thành lập đến năm 2020 là 10.000 doanh nghiệp. Đồng thời, tạo ra nhiều sản phẩm mới mang tính đặc thù của tỉnh như sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các khu du lịch trọng điểm gắn với liên kết, hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Đây chính là những gợi ý thực tiễn để các thanh niên - sinh viên tỉnh nhà cùng suy ngẫm, đào sâu nghiên cứu và mạnh dạn để khởi sự kinh doanh dựa trên những tiềm năng, thế mạnh sẵn có kết hợp với chủ trương tạo thuận lợi của tỉnh.

Ông Đa nhấn mạnh: Trong hội nhập toàn cầu, Việt Nam hiện có 3 thế mạnh quan trọng: Một là, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao; Hai là công nghệ thông tin và Ba là, du lịch. Trong 3 thế mạnh đó, tỉnh Lâm Đồng đã hội tụ được 2 thế mạnh. Để biến những thế mạnh trên thành hiện thực, tạo nên một Lâm Đồng luôn đi đầu trong khu vực và phát triển kinh tế, điều này phụ thuộc một phần vào năng lực của các bạn trẻ đang ngồi đây.

Do đó, vị Phó Chủ tịch tỉnh nhắn nhủ: “Để Đất nước có một đội ngũ doanh nhân đông đảo trong tương lai, để Việt Nam trở thành một quốc gia khởi nghiệp thành công như Isarel, để cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 thành công, thì sự hỗ trợ của cơ quan ban ngành, địa phương là chưa đủ. Điều quan trọng ở đây là tinh thần khởi nghiệp phải thấm sâu vào các bạn, tinh thần khởi nghiệp phải là một ý chí phấn đấu, một khát vọng của chính các bạn ngay khi còn ngồi trên ghế giảng đường, thậm chí ngay khi ngồi trên mái trường phổ thông. Các bạn hãy không ngừng tìm tòi, học hỏi những kinh nghiệm, những công nghệ mới, nhất là công nghệ trong nông nghiệp để có những nghiên cứu sáng tạo đầy thực tế, mang tính đột phá”.

Theo Enternews