Nổ tai nghe, một phụ nữ bị bỏng mặt và tay

(SHTT) - Chính quyền Úc đã cảnh báo nguy cơ xảy ra nguy hiểm khi sử dụng các thiết bị chạy bằng pin trên các chuyến bay sau khi một phụ nữ bị bỏng mặt và tay do nổ tai nghe trong chuyến bay từ Bắc Kinh đến Melbourne.

 Cô gái bị bỏng mặt và tay do cháy tai nghe

Khi xảy ra vụ nổ, cô gái đang ngủ, cô bị giật mình và nhanh chóng tháo tai nghe khi nó bốc cháy, bắt lửa và bắt đầu tan chảy.

Hành khách này nói với Cục an toàn giao thông Úc (ATSB) rằng cô đang nghe nhạc khi tai nghe bốc cháy: “Tôi chỉ vội che mặt nhưng vẫn cảm thấy lửa đang cháy xung quanh cổ. Vì vậy, tôi vội túm lấy nó và ném xuống sàn, tai nghe vẫn cháy và tóe lửa”.

Các thành viên của phi hành đoàn đã vội vàng xử lý sự cố. Lúc ấy, pin, nắp nhựa đã tan chảy và bị kẹt vào sàn nhà.

ATSB cung cấp thông tin cho biết trong suốt thời gian còn lại của chuyến bay, hành khách phải chịu đựng mùi khét của nhựa nóng chảy, đồ điện tử và tóc cháy.

Từ trường hợp của cô gái này, người dùng nên cẩn thận hơn khi sử dụng các thiết bị chạy bằng pin trên các chuyến bay 

Báo cáo không đề cập đến thương hiệu tai nghe nhưng nguyên nhân gây cháy tai nghe khả năng cao là do lỗi pin lithium-ion. ATSB đã đưa ra một loạt các hướng dẫn để hành khách sử dụng pin và bộ nguồn an toàn trong các chuyến đi. Họ cũng cảnh báo “khi tăng vùng sử dụng của các sản phẩm sử dụng pin, nguy cơ cháy nổ cũng tăng”.

ATSB cho biết, Pin lithium cũng từng gặp một số vấn đề trên các chuyến bay trong những năm gần đây. Năm 2016, một chiếc máy bay cất cánh từ Sydney đã phải dừng lại khi xuất hiện khói ở một hành lý xách tay. Sau đó người ta phát hiện ra pin lithium đã bốc cháy trong hành lý. Một thiết bị điện tử cũng bắt đầu tóe lửa khi nó bị nghiền nát dưới một cái ghế di chuyển ở Mỹ.

Năm ngoái, pin của Samsung Galaxy Note 7 cũng gặp trục trặc khiến điện thoại nóng quá mức gây cháy nổ vì vậy các cơ quan hàng không quốc tế cấm thiết bị trên khỏi máy bay. Samsung đã phải nhanh chóng thu hồi điện thoại này.

Lê Phương