Cô trò tái chế sản phẩm từ vỏ mì tôm và thông điệp bảo vệ môi trường

(SHTT) - Với mục đích bảo vệ môi trường, cô Vũ Thị Thảo - giáo viên Trường Trung học Vinschool Times City cùng thành viên Câu lạc bộ Mì Tôm Xanh đã chế tạo ra những sản phẩm hữu ích từ vỏ mì tôm bỏ đi.

Là một người yêu thích sản phẩm tái chế, cô Vũ Thị Thảo đã bắt đầu mày mò sáng tạo, thử nghiệm với nhiều vật liệu khác nhau. Cô chia sẻ: Sau khi thử làm nhiều vật liệu khác nhau, mình nhận thấy vỏ mì tôm đáp ứng được những yêu cầu về độ bền, độ dẻo và tính thẩm mỹ nên rất phù hợp để tạo ra các sản phẩm đồ dùng. Hơn nữa, mì tôm là thực phẩm được sử dụng rất nhiều trong đời sống. Mình có thể tận dụng số lượng lớn rác thải này để tái chế. Với ý tưởng đó, tháng 01/2020 cô đã cho ra đời sản phẩm đầu tay của cô là những chiếc đế lót cốc nhỏ xinh với màu sắc sặc sỡ.

Trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, cô Vũ Thị Thảo đã khởi xướng thành lập câu lạc bộ Mì Tôm Xanh Vinschool cho các bạn học sinh với ý tưởng thu gom – xử lý – tái chế vỏ mì tôm thành các sản phẩm hữu hiệu. Toàn bộ số tiền thu được từ việc bán sản phẩm đều được ủng hộ cho Quỹ phòng chống dịch Covid-19 và các hoàn cảnh khó khăn trong chương trình “Cặp lá yêu thương”.

 Cô trò tái chế sản phẩm từ vỏ mì tôm và thông điệp bảo vệ môi trường

Đến nay, câu lạc bộ Mì Tôm Xanh do cô Vũ Thảo và học sinh thành lập đã tạo được tiếng vang nho nhỏ trong cộng đồng những người yêu đồ tái chế với những sản phẩm đa dạng, thời trang và bền vững, được đan từ vỏ mì tôm như túi xách, túi đựng mỹ phẩm, lót ly, hộp bút….

Để tạo nên những sản phẩm trên, cô Thảo cùng các bạn học sinh và đội ngũ cộng tác viên đã thực hiện 4 công đoạn: Thu gom vỏ mì từ cộng đồng – Xử lý và làm sạch – Tạo sợi đan bằng vỏ mì – Thiết kế và đan thành sản phẩm. Điểm đặc biệt, toàn bộ nguyên liệu thừa trong quá trình tạo sản phẩm sẽ được chuyển về cho dự án “Rác là vàng” để sản xuất vật liệu xây dựng từ nhựa tái chế. Như vậy, toàn bộ rác thải đều được xử lý tiếp thay vì bị thải ra môi trường.

 

Nhắc đến những trở ngại trong quá trình thực hiện dự án, giọng cô như trầm hẳn: “Khi gom vỏ mì tôm, tham gia vào dự án, không ít người nói tôi “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”; có những cộng tác viên bị nói “là hâm, là dở hơi, vỏ mì mang về làm gì, mang rác về làm gì?...”, những câu nói như từng lưỡi dao cứa vào ý tưởng của chúng tôi. Tôi tự vực bản thân mình mạnh mẽ, dặn lòng không để tâm đến những lời lẽ đó, sản phẩm và những giá trị đối với môi trường sau này sẽ là câu trả lời cho những người có suy nghĩ và lời lẽ như vậy”.

Tìm được những thành viên tham gia vào dự án, thông điệp dường như đã được lan tỏa đến nhiều người hơn, cô Thảo cũng như san sẻ được gánh nặng. Mỗi sản phẩm hoàn thiện đều gặp những khó khăn khác nhau, nhưng cô luôn nhận được sự ủng hộ từ học sinh của mình. “Điều làm mình cảm thấy hạnh phúc nhất đó chính là các em đã chủ động liên hệ để tham gia dự án. Có những em còn vận động người thân trong gia đình thu gom vỏ mì tôm để ủng hộ dự án” - cô Thảo khẽ mỉm cười.

Đầu tháng 9, nhóm giành giải ba cuộc thi Sáng kiến thanh niên "Trả xanh cho biển" do Quỹ ASEAN tổ chức. Ban giám khảo đánh giá, dự án thực hiện được mục tiêu kép khi vừa bảo vệ môi trường, đồng thời tạo ra giá trị vật chất để giúp đỡ người khó khăn. Số tiền thưởng được cô Thảo và học trò dùng để liên hoan, xây dựng quỹ, chi trả cho một số dụng cụ văn phòng phẩm. "Giải thưởng là sự ghi nhận nỗ lực của cô trò trong hơn nửa năm, khích lệ chúng tôi tiếp tục phát triển dự án", cô giáo chia sẻ.

 Cô Thảo hướng dẫn học trò làm sản phẩm

Sau cuộc thi, dự án nhận được sự chú ý nhiều hơn, nhờ đó mà số lượng cộng tác viên tăng mạnh, lên đến hơn 130 trên khắp cả nước. 

Cô giáo Mai Thị Tình, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Vinschool Times City đánh giá cao những nỗ lực của Câu lạc bộ Mì Tôm Xanh và cho biết, nhà trường luôn khuyến khích hoạt động của câu lạc bộ thông qua việc bố trí địa điểm sinh hoạt chung và ủng hộ kinh phí để cô trò cùng triển khai dự án, với mong muốn những hành động nhỏ này sẽ góp phần tạo nên những giá trị tốt đẹp cho xã hội.

Hương Mi