Băng Nam Cực 700.000 năm tuổi giúp dự đoán biến đổi khí hậu

(SHTT) - Nhóm các nhà khoa học đang tập trung tiến hành nghiên cứu những dự đoán về biến đổi khí hậu dựa trên những gì họ phân tích về một lõi băng có độ tuổi hơn 700.000 năm tuổi. Với những lớp băng được hình thành, lõi băng này đã hé mở dấu hiệu mới về thay đổi khí hậu.

Được biết, các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu đều thuộc Viện Nghiên cứu về cực ở Nhật Bản. Và sau khi tiến hành khoan sâu một mái vòng băng ở bình nguyên đông Nam cực, nhóm các nhà khoa học này đã lấy được lõi băng với độ tuổi hơn 700.000 năm, có chiều dài 3 km. Được biết, việc khoan lõi băng này là một phần của dự án khoan lõi băng ở Nam cực của châu Âu EPICA. Và để có thể mang được lõi băng về nghiên cứu, các nhà khoa học đã phải khoan ở vùng băng hẻo lánh cách hàng nghìn km so với trạm nghiên cứu gần nhất.

Như thông tin được đăng tải trên chuyên trang The Verge thì lõi băng này có rất nhiều lớp như các vòng quanh gốc cây. Nhờ vậy mà các nhà khoa học có thể phân tích được điều kiện môi trường khi các lớp băng hình thành cũng như phân tích sự xuất hiện của bụi trong thời kỳ khô và gió.

Băng Nam Cực 700.000 năm tuổi giúp dự đoán biến đổi khí hậu 

Tiến sĩ Eric Wolff, làm việc tại Viện Khảo sát Nam cực của Anh, người đứng đầu nhóm nghiên cứu trên đã cho hay thông qua việc nghiên cứu lõi băng này, họ nhận thấy rằng giai đoạn băng hà và giai đoạn ấm hơn sẽ xen kẽ nhau, các chu kỳ của sông băng là ấm lên, tan chảy và lại ấm lên. Tiếp theo đó, những thay đổi tương tự sẽ diễn ra theo cùng một trình tự. Nhờ vậy mà các nhà khoa học có thể kết luận rằng Trái Đất tuân theo quy luật của khí hậu biến đổi và nếu nắm rõ được quy luật này thì con người có thể dự đoán được chính xác biến đổi khí hậu trong tương lai và có thể cải thiện các mô hình khí hậu.

Cùng với đó, nhóm nghiên cứu còn phát hiện rằng giai đoạn ấm ở Nam Cực sẽ tương ứng với những biến động khí hậu phát hiện trong lõi băng tách ra ở đảo Greenland. Cụ thể, nguồn nước ngọt tan chảy từ băng Greenland làm chậm dòng đối lưu kinh tuyến Đại Tây Dương AMOC, làm tăng lượng mưa và giảm sức gió ở Nam bán cầu, khiến Nam bán cầu ấm lên và Bắc bán cầu đóng băng.

Được biết, dòng đối lưu AMOC là thành phần quan trọng của hệ thống khí hậu trái đất, giúp chuyển nước ấm về phía bắc và sau đó chuyển nước lạnh về lại phía nam.

Với những gì đã nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy lượng nước ngọt có thể sẽ tràn vào đại dương nếu cứ tiếp tục có sự biến đổi khí hậu làm băng tan ở Bắc cực và đảo Greenland. Chính điều này đã khiến sự cân bằng nước ngọt - nước biển của AMOC bị phá vỡ, đẩy khu vực Bắc bán cầu về thời kỳ băng giá. Qua điều này, các nhà khoa học cũng cảnh báo về thảm cảnh có thể xảy ra vào năm 2030 khi trái đất cứ tiếp tục ấm lên 4 - 50 độ C.

PV