Hoàn tất thương vụ VVF sáp nhập vào SHB

(SHTT) - Mới đây Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã xác nhận hoàn tất thương vụ sáp nhập VFF vào SHB với tổng số vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng và tổng tài sản có tại thời điểm sáp nhập là 1.040 tỷ đồng cho phía SHB.

Vào giữa tháng 12/2016, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có quyết định chấp thuận cho việc sáp nhập Công ty Tài chính cổ phần Vinaconex - Viettel (VVF) vào hệ thống Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Và đúng sau gần 1 tháng, SHB đã chính thức xác nhận hoàn tất thương vụ sáp nhập.

Theo đó, SHB tiếp nhận toàn bộ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của VVF gồm: hồ sơ sổ sách, tài liệu, tài sản, nhân sự; chứng từ kế toán, hệ thống công nghệ thông tin, hồ sơ tài liệu liên quan đến cổ đông, cổ phiếu, thực trạng các hoạt động nghiệp vụ… tính đến ngày sáp nhập 12/1/2017.

 Hoàn tất thương vụ VVF sáp nhập vào SHB. Ảnh: Cafef.vn

Cùng với đó, VVF bàn giao cho SHB toàn bộ công ty với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng và tổng tài sản có tại thời điểm bàn giao là hơn 1.040 tỷ đồng. Như vậy sau khi hoàn tất thương vụ trên, vốn điều lệ của SHB đã đạt gần 12.000 tỷ đồng. Thương vụ này cũng giúp SHB được Ngân hàng Nhà nước cấp phép thành lập Công ty Tài chính tín dụng tiêu dùng TNHH một thành viên Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (viết tắt là Công ty Tài chính tiêu dùng SHB) với nguồn lực tài chính lớn.

Đồng thời đây cũng được xác định là bước phát triển chiến lược mới của SHB giúp nâng cao lợi nhuận hợp nhất của ngân hàng đồng thời mở rộng thị phần trong phân khúc ngân hàng bán lẻ và phát triển mảng tín dụng tiêu dùng. Việc sáp nhập VVF và thành lập công ty tài chính tiêu dùng cũng giúp SHB chuyên biệt hóa phân khúc cho vay tiêu dùng với các yêu cầu về nguồn lực và kỹ năng hoàn toàn khác biệt so với mảng cho vay cá nhân truyền thống của ngân hàng; hỗ trợ sự phát triển của SHB thông qua việc bán chéo một số sản phẩm khác của ngân hàng.

 Buổi ký kết lễ sáp nhập VVF vào SHB. Ảnh: Nhân dân điện tử

Theo lãnh đạo công ty này thì công ty sẽ hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng, cung cấp các sản phẩm đa dạng, tiện ích trên cơ sở ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, đáp ứng nhu cầu sử dụng vốn của người dân Việt Nam. 

Như vậy trong thị trường tài chính tiêu dùng hiện tại có khá nhiều ngân hàng sở hữu những công ty tài chính tiêu dùng chuyên biệt cạnh tranh với những cái tên hiện hữu như HDBank hay VPBank nên vào năm 2017, thị trường tài chính tiêu dùng trong nước sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt.

PV (t/h)