Dịch Covid-19 khiến gần 70% người lao động giảm thu nhập

(SHTT) - 69,2% người bị giảm thu nhập; 39,9% phải giảm giờ làm, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và khoảng 14% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh do dịch COVID-19

Phát biểu tại cuộc họp báo công bố số liệu tình hình lao động việc làm quý IV/2020 và cả năm 2020 sáng 6/1 tại Hà Nội, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Phạm Quang Vinh cho biết, tình hình lao động, việc làm quý IV năm 2020 có nhiều chuyển biến tích cực, thu nhập của người làm công hưởng lương có xu hướng tăng so với các quý trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của khu vực thành thị quý IV mặc dù giảm so với quý III nhưng vẫn ở mức cao nhất so với cùng kỳ các năm giai đoạn 2011-2020.

Tính đến tháng 12/2020, cả nước có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,… Theo đó, 69,2% người bị giảm thu nhập; 39,9% phải giảm giờ làm, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và khoảng 14% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.

 Dịch Covid-19 khiến gần 70% người lao động giảm thu nhập

Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 với 71,6% lao động bị ảnh hưởng. Tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 64,7% lao động bị ảnh hưởng. Tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 26,4%.

Theo bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê), dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và tái bùng phát vào cuối tháng 7 đã tác động đến tình hình lao động, việc làm của cả nước và ảnh hưởng đến đà khôi phục việc làm và cải thiện thu nhập của người lao động (NLĐ) sau thời gian giãn cách toàn xã hội vào tháng 4/2020.

Tính đến tháng 9, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,…Trong đó, 68,9% người bị giảm thu nhập (với mức giảm thu nhập nhẹ), gần 40,0% phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, và khoảng 14,0% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với 68,9% lao động bị ảnh hưởng; tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 66,4% lao động bị ảnh hưởng; tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 27,0%.

Sau khi giảm sâu kỷ lục vào quý 2, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý 3 đã tăng thêm 1,4 triệu người (lên 54,6 triệu), song vẫn thấp hơn 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Số lao động có việc làm khu vực phi chính thức là 20,7 triệu người, tăng 1,2 triệu người so với quý trước, và tăng 149.000 người so với cùng kỳ năm trước.

Lý giải điều này, bà Vũ Thị Thu Thủy cho hay: “Tình hình sản xuất kinh doanh và thị trường lao động đang có dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên vẫn chưa thể khôi phục về trạng thái của cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh số NLĐ Việt Nam được hưởng bảo hiểm thất nghiệp còn hạn chế, bắt buộc họ phải tìm kiếm cơ hội việc làm mới tại khu vực phi chính thức để có thêm thu nhập. Điều này cho thấy sự phục hồi của thị trường lao động hiện nay còn thiếu tính bền vững, do lao động phi chính thức được coi là bộ phận lao động phải đối mặt với nhiều thiệt thòi và bất lợi, khó tiếp cận với các chế độ phúc lợi và bảo hiểm xã hội”.

Bà Valentina Baccuci, Phó Giám đốc Tổ chức lao động quốc tế tại Việt Nam cho biết, tình trạng suy thoái kinh tế đã làm giảm sút việc làm. Thiên tai, dịch bệnh đã góp phần làm tồi tệ thêm về vấn đề việc làm. Đối với những người có việc làm ở quý IV, chất lượng việc làm thấp hơn ở cuối năm trước. Nhìn chung, việc làm ngoài khu vực nông nghiệp có tăng lên.

Tuy nhiên, có rất nhiều lý do để chúng ta lạc quan về vấn đề việc làm, nền kinh tế đã có những hồi phục, việc làm đã tăng lên. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng và dịch vụ đã có những khả quan, doanh nghiệp đánh giá những tín hiệu tích cực.

Minh Vân