Phòng chống COVID-19 ở Việt Nam: Cần đặt cao hơn 1 mức, làm sớm hơn 1 bước

(SHTT) - Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Việt Nam cần đặt cảnh báo cao hơn 1 mức và làm sớm hơn 1 bước so với khuyến cáo của WHO để hạn chế tối đa số ca nhiễm ngoài cộng đồng khi dịch bệnh trở lại.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc (3 cấp) của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 ngày 3/10, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, chúng ta cần có những biện pháp cụ thể để giữ tuyệt đối an toàn và không để dịch bùng phát trở lại.

 

Trước đó, báo cáo tình hình dịch bệnh, quyền bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói chưa nước nào tự tin có biện pháp phòng chống dịch bệnh tốt nhất. Vì vậy, dự báo mùa đông năm nay sẽ khốc liệt đối với các nước trong phòng chống COVID-19.

Nguy cơ lây nhiễm là thường trực, lớn nhất là từ người nhập cảnh, người mang mầm bệnh đã lưu hành trong cộng đồng.

Do đó, trọng tâm cần lưu ý là công tác quản lý, cách ly người nhập cảnh, và phòng chống lây nhiễm trong các cơ sở y tế. Hiện công tác xét nghiệm được tăng cường, đảm bảo chính xác, tiết kiệm, nhưng cũng cần tiếp tục tăng năng lực cung ứng sinh phẩm xét nghiệm, chẩn đoán nhanh.

Đồng thời, sớm nghiên cứu và sản xuất sinh phẩm xét nghiệm giá thành thấp nhất với độ chính xác cao để có thể sớm sử dụng tại cửa khẩu và tại cộng đồng. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, tạm đình chỉ công tác nếu để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế.

Tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, chiến lược của Việt Nam là chiến lược của một nước nghèo nên các biện pháp phòng chống dịch được đặt cao hơn một mức, sớm hơn một bước so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới để hạn chế ít nhất các ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Vì vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục làm tốt hơn nữa 5 nguyên tắc chống dịch: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch nhanh nhất có thể, bởi dịch không trừ một ai, một địa phương nào.

Thái An