Mỹ đạt thành công bước đầu trong nghiên cứu ghép nội tạng lợn cho người

(SHTT) - Một công ty công nghệ sinh học ở Mỹ đang thực hiện nghiên cứu cách nuôi các cơ quan nội tạng lợn để sử dụng cho con người và đạt được một số thành công ban đầu.

Trong quá khứ, các bác sĩ đã cố gắng đưa tim và gan lợn vào cơ thể người. Tuy nhiên, những thử nghiệm này không đem lại kết quả tốt. Nguyên nhân là cấy ghép nội tạng từ loài khác sẽ kích hoạt phản ứng mạnh mẽ từ hệ miễn dịch của người nhận. Ngay cả những loại thuốc ức chế miễn dịch hiệu quả nhất cũng không thể ngăn chặn hoàn toàn cá phản ứng này.

Để giải quyết những thiếu sót của phương pháp này, cách đây 4 năm, các nhà nghiên cứu đến từ Revivcor, một chi nhánh của công ty United Therapeutics tại Maryland, Mỹ, đã thực hiện các nghiên cứu nhằm điều chỉnh cơ chế sinh học ở lợn để khiến chúng phát triển cơ quan nội tạng phù hợp với con người.

Đầu năm 2000, một nhà nghiên cứu, sau này là nhà đồng sáng lập Revivcor, đã tìm ra cách ức chế loại đường ở lợn có khả năng kích hoạt phản ứng đào thải tức thì ở cơ thể người nhận. Trong những năm gần đây, các nhà khoa học tại Revivcor đang nghiên cứu cách đưa genee người vào lợn. Về mặt lý thuyết, phương pháp này khá khả thi bởi cơ thể lợn có nhiều chức năng tương tự con người.

 

Theo đó, các nhà nghiên cứu cho biết họ đã sử dụng công nghệ chỉnh sửa gene CRISPR-Cas9 kết hợp với các công nghệ di truyền khác để vô hiệu hóa retrovirus (PERVs) nội sinh ở lợn- nhóm virus có thể gây nguy hiểm cho con người, đồng thời tăng khả năng tương thích về miễn dịch và đông máu của lợn với người, có thể làm giảm các rủi ro, biến chứng trong quá trình cấy ghép.

Kết quả nghiên cứu cho thấy những con lợn được biến đổi gene trong thí nghiệm có sức khỏe và sinh lý bình thường. Khả năng sinh sản và truyền các gene đã chỉnh sửa cho thế hệ con cái của chúng vẫn được đảm bảo.

Được biết, việc cấy ghép nội tạng lợn cho người vốn đã được giới khoa học nghiên cứu từ lâu, được coi như một giải pháp cho tình trạng thiếu hụt nội tạng người trên khắp thế giới, nhất là cho những bệnh nhân suy nội tạng. Những lý do chính bao gồm kích cỡ nội tạng của lợn tương đương với người và chúng có vòng đời tương đối ngắn, khoảng sáu tháng.

Tuy nhiên, những rủi ro của việc đào thải nội tạng do không tương thích sinh học giữa người và lợn đã hạn chế khả năng ứng dụng lâm sàng của những ca cấy ghép và những tiến bộ trong công nghệ chỉnh sửa gene gần đây đã mang lại cho các nhà nghiên cứu hy vọng mới.

Kim Long