Sáng kiến giảm rác thải nhựa: Cuộc thi hữu ích vì môi trường

(SHTT) - Cuộc thi Sáng kiến giảm rác thải nhựa do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tổ chức, đã chọn được đội xuất sắc để phát triển sản phẩm và nhân rộng mô hình ra cộng đồng.

Theo WWF, Việt Nam đang phải đối mặt với các vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trong đó ô nhiễm rác thải nhựa hay còn gọi là “ô nhiễm trắng” đang gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Vì vậy, Cuộc thi mong muốn tìm kiếm các mô hình, ý tưởng khả thi hướng đến thay đổi hành vi trong sử dụng và thải loại rác nhựa cũng như tăng tỷ lệ và hiệu quả quản lý, xử lý, tái chế rác nhựa.

Trong hai ngày 15 và 16/9, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Phú Yên, Kiên Giang... tổ chức vòng chung kết cuộc thi sáng kiến giảm rác thải nhựa theo hình thức trực tuyến với 11 đội thi nhằm tuyển chọn để triển khai các mô hình, ý tưởng khả thi hướng đến thay đổi hành vi trong sử dụng và thải loại rác nhựa cũng như tăng cường hiệu quả quản lý, xử lý, tái chế rác nhựa.

 Sáng kiến giảm rác thải nhựa: Cuộc thi hữu ích vì môi trường 

Bốn đội thi được chọn sau cuộc tranh tài giữa 11 đội trong hai ngày qua, kết quả chung cuộc được WWF công bố sáng 16/9. Trong số này có đội Green Points với ứng dụng di động tích điểm cho mỗi hành động bảo vệ môi trường và đổi lấy quà tại Đà Nẵng. Đội Tuyến Mo Cau với mô hình biến lá rụng thành sản phẩm thân thiện môi trường tại Phú Yên. Đội HCMUTE với dự án "Giấy xanh cho cuộc sống xanh" tại Rạch Giá. Câu lạc bộ Nông nghiệp Bền vững Phú Quốc với dự án "Biến rác thành tài nguyên: Giải pháp xử lý rác bền vững".

Sáng kiến, mô hình của đội thắng giải đều có tính khả thi và bền vững, có đóng góp cho cộng đồng, đã được triển khai tại một số khu vực và có khả năng nhân rộng. Tiêu chí xét giải gồm ý tưởng (30%), khả năng vận hành (50%), bài trình bày (20%). Các đội nhận được giải thưởng 100 triệu đồng.

Bốn đội thắng giải Nhất đã thể hiện thế mạnh trong việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật để triển khai mô hình. Trong đó, Câu lạc bộ Nông nghiệp Bền vững Phú Quốc ứng dụng công nghệ vi sinh và ấu trùng ruồi lính đen, giúp rút ngắn quá trình phân hủy, khử mùi và chuyển thành phân hữu cơ cho canh tác nông nghiệp sạch, góp phần làm giảm 85% lượng rác thải ra môi trường.

Hà Vân