Ngân hàng thừa tiền nhưng vẫn đối mặt với tăng trưởng tín dụng âm

(SHTT) - Tín dụng toàn ngành ngân hàng đã tăng trưởng trở lại với mức tăng 4% so với đầu năm nay. Tuy nhiên, vẫn có nhiều ngân hàng tăng trưởng âm.

Kết thúc 6 tháng đầu năm, không ít ngân hàng vẫn đang phải đối diện với mức tăng trưởng âm. Trong khối ngân hàng quốc doanh, đối mặt với tình hình tăng trưởng tín dụng âm chính là Agribank.

Theo báo cáo tài chính quý 2/2020 vừa được công bố thì tổng tài sản tính đến cuối tháng 6/2020 của ngân hàng này đạt trên 1,46 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt trên 1,35 triệu tỷ đồng; tổng dư nợ và đầu tư đạt trên 1,33 triệu tỷ đồng, trong đó cho vay nền kinh tế đạt trên 1,135 triệu tỉ đồng.

Vốn tín dụng Agribank chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ gần 2 triệu tỉ đồng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và chiếm trên 50% thị phần dư nợ lĩnh vực này của toàn ngành ngân hàng. Năm 2020, Agribank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt tối thiểu 12.200 tỷ đồng. Nhưng tính đến hết quý 2, tín dụng lại ghi nhận tăng trưởng âm với mức - 1,3%. 

Trong khối ngân hàng thương mại cổ phần, đáng chú ý nhất phải kể tới Eximbank. Theo đó, cho vay khách hàng của Eximbank giảm 4% trong quý đầu năm nay và cũng được dự báo chưa mấy sáng sủa trong quý II/2020 do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hơn nữa, ngân hàng này cũng chưa thoát khỏi trạng thái “khủng hoảng” khi cuộc chiến về những chiếc ghế trong Hội đồng quản trị (HĐQT) vẫn chưa kết thúc.

 Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2020 tại Eximbank. 

Cùng với Eximbank, tính đến 30/6/2020, tổng tài sản của Bac A Bank đạt 110.928 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với đầu năm chủ yếu nhờ các khoản phải thu tăng 13%, lên mức 177 tỷ đồng.

Trong đó, cho vay khách hàng xấp xỉ đầu năm, ghi nhận 74.015 tỷ đồng. Tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm đến 48%, chỉ còn 259 tỷ đồng. Ngoài ra, khoản tiền gửi không kỳ hạn tại Bac A Bank cũng giảm 27% so với đầu năm, chỉ còn 983 tỷ đồng.

 
 Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2020 tại Bac A Bank. 

Không chỉ Eximbank hay Bac A Bank, một số ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô nhỏ cũng đang gặp khó khăn với câu chuyện tăng trưởng tín dụng. Đơn cử như trường hợp của Saigonbank.Tính đến cuối tháng 6/2020, tổng tài sản của Saigonbank giảm gần 10% so với đầu năm, xuống còn 20.569 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng giảm 2,79%, đạt 14.151 tỷ đồng, tiền gửi của khách hàng tăng 2%, đạt 15.982 tỷ đồng.

 Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2020 tại Saigonbank. 

Hay tại NCB, tính đến ngày 30/6/2020, tổng tài sản giảm 11% so với đầu năm, xuống còn hơn 71.386 tỷ đồng, chủ yếu do tiền, vàng gửi tại tổ chức tín dụng khác giảm 76% và cho vay các tổ chức tín dụng khác giảm mạnh 94%. Cho vay khách hàng của NCB chỉ tăng nhẹ 3% so với đầu năm, đạt 38.862 tỷ đồng.

 Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2020 tại NCB. 

Chia sẻ trên Báo Đầu Tư mới đây, lãnh đạo một số ngân hàng như Vietcombank, Sacombank tiết lộ,  hiện thanh khoản của ngân hàng đang khá dồi dào, thậm chí ngân hàng thừa tiền nhưng khó cho vay ra.

Theo các đại diện trên, nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh nghiệp chưa có nhu cầu vay đầu tư, sản xuất, kinh doanh mới. Một phần do tâm lý các ngân hàng e ngại nợ xấu nên việc giảm lợi nhuận nhưng an toàn hơn rủi ro nợ xấu.

Hà Phương