Sở hữu trí tuệ - Công cụ đắc lực thúc đẩy đổi mới công nghệ ở doanh nghiệp

(SHTT) – Vừa qua, hội thảo “Sở hữu trí tuệ - Công cụ đắc lực thúc đẩy đổi mới công nghệ ở doanh nghiệp” đã diễn ra tại tỉnh Gia Lai.

Buổi hội thảo có sự góp mặt của đại diện Lãnh đạo tỉnh Gia Lai; Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ (IP Việt Nam); Đại diện trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (USSH); PGS.TS. Mai Hà, Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam (VIPA).

Mở đầu buổi hội thảo, TS. Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp (VCCI) đã trình bày về trình độ công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp Việt Nam.

 

Theo đó, khoa học công nghệ đang ngày càng trở thành nguồn lực quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế đang diễn ra. Chính vì vậy các DN Việt Nam cần phải thay đổi nhận thức về vai trò của công nghệ và tăng cường đầu tư vào đổi mới công nghệ. Hiện có ba nguyên nhân cơ bản nhất cản trở DN triển khai thực hiện hoạt động đổi mới sáng tạo là: Chi phí cho hoạt động đổi mới công nghệ quá cao (mà DN không có thể đáp ứng); DN thiếu nhân lực có đủ trình độ chuyên môn để thực hiện các hoạt động đổi mới công nghệ; và Thiếu những khuyến khích, hỗ trợ thực sự hấp dẫn từ các chính sách của Nhà nước. Do đó Chính phủ cần tập trung các giải pháp để hạn chế các nguyên nhân này, từ đó thúc đẩy DN thực hiện các hoạt động đổi mới sạng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Cũng trong buổi làm việc, Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ đã chỉ ra vai trò quan trọng của việc sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ trong nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Các quyền SHTT cần được bảo hộ trên thị trường bao gồm: quyền tác giả, sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp.... Hệ thống SHTT mang lại "độc quyền" nhằm hạn chế sự sao chép, bắt chước của đối thủ cạnh tranh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần vận dụng pháp luật để biến SHTT thành công cụ cạnh tranh đắc lực.

Năm 2017, số đơn đăng ký sở hữu trí tuệ của tỉnh Gia Lai là hơn 300 đơn, tỉnh Kon Tum gần 400 đơn, tỉnh Lâm Đồng gần 700 đơn. Điều này cho thấy, ngày càng nhiều doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên sử dụng lợi thế của sở hữu trí tuệ để áp dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm sự phát triển cho doanh nghiệp. Kết quả nêu trên là do hành lang pháp lý về sở hữu trí tuệ ngày càng được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một số tỉnh có chương trình hỗ trợ phát triển thương hiệu các sản phẩm có thế mạnh.

 

Đồng quan điểm với Đại diện Cục SHTT, PGS. TS. Trần Văn Hải, Khoa Khoa học Quản lý – Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng, thông tin sáng chế không chỉ nâng cao khả năng cạnh tranh mà còn nâng cao năng lực đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Khi công nghệ là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nếu hội tụ đủ cả ba điều kiện: tính mới, trình độ sáng tạo, khả năng áp dụng công nghiệp thì được cấp patent. Chủ sở hữu patent hoàn toàn có quyền ngăn cấm người khác làm theo công nghệ đó và thực hiện các quyền tài sản trong khoảng thời gian patent có hiệu lực bảo hộ. Các chủ thể khác dù bằng mọi cách để tạo ra sản phẩm áp dụng công nghệ được bảo hộ bị coi là đã xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, doanh nghiệp cần chú trọng đến việc xây dựng nhãn hiệu. Bởi nhãn hiệu đóng vai trò quan trọng và sống còn cho doanh nghiệp. Nhãn hiệu xây dựng thương hiệu để người dùng nhận diện được sản phẩm, dịch vụ. Xây dựng nhãn hiệu cũng tạo ra khác biệt hóa doanh nghiệp với đối thủ cạnh tranh,...

Tại các tỉnh Tây Nguyên, tài sản trí tuệ và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chưa thực sự được đánh thức và dường như vẫn như “công chúa ngủ trong rừng” đang ở giai đoạn thức tỉnh. Những đặc điểm địa lý cũng là yếu tố tạo nên nét đặc thù của các tỉnh Tây Nguyên trong việc đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu như số lượng nhãn hiệu được đăng ký còn ít, tập trung chủ yếu là nhãn hiệu đăng ký cho một số sản phẩm nông nghiệp của vùng, nhãn hiệu cho ngành dịch vụ du lịch, ăn uống và khách sạn…

Các đại biểu dự hội thảo cũng đưa ra dẫn chứng cụ thể, tại tỉnh Gia Lai, các sản phẩm đặc trưng (SPĐT) có nhiều loại có giá trị kinh tế cao, là đặc sản, có danh tiếng trên thị trường so với các sản phẩm cùng loại của các địa phương có điều kiện tương đồng. Tuy nhiên, nhưng chỉ là danh tiếng truyền miệng, chưa được quảng bá rộng rãi trên thị trường trong nước và quốc tế nên còn gặp nhiều khó khăn trong việc phát huy giá trị, danh tiếng trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Hiện nay trên toàn tỉnh chỉ có khoảng 07 sản phẩm đã và đang thực hiện tạo lập quyền dưới hình thức NHTT, NHCN, CDĐL gồm: như NHCN Phở khô Gia Lai, Khoai lang Lệ Cần-Đak Đoa, Rau An Sơn-Đak Pơ, Chôm Chôm Ia Grai; chỉ dẫn địa lý Gạo Ba Chăm – Mang Yang, Cà phê Gia Lai, Chanh dây Gia Lai…

 

Qua nghiên cứu và phân tích, các đại biểu cho rằng để tận dụng các lợi thế của mình trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên cần có hướng đi, chiến lược và sự tập trung quan tâm, tạo cơ chế và chính sách thu hút các nguồn lực, từ đó tạo đà cho sự phát triển của các tài sản trí tuệ nói chung trong đó có việc phát triển tài sản trí tuệ là nhãn hiệu.

Hội thảo cũng đề cập đến đặc trưng chủ yếu của đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp. Theo đó, khoa học công nghệ đang ngày càng trở thành nguồn lực quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế đang diễn ra. Chính vì vậy các DN Việt Nam cần phải thay đổi nhận thức về vai trò của công nghệ và tăng cường đầu tư vào đổi mới công nghệ. Hiện có ba nguyên nhân cơ bản nhất cản trở DN triển khai thực hiện hoạt động đổi mới sáng tạo là: Chi phí cho hoạt động đổi mới công nghệ quá cao (mà DN không có thể đáp ứng); DN thiếu nhân lực có đủ trình độ chuyên môn để thực hiện các hoạt động đổi mới công nghệ; Và thiếu những khuyến khích, hỗ trợ thực sự hấp dẫn từ các chính sách của Nhà nước. Do đó Chính phủ cần tập trung các giải pháp để hạn chế các nguyên nhân này, từ đó thúc đẩy DN thực hiện các hoạt động đổi mới sạng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Một nhân tố quan trọng để định hướng chiến lược, tạo ra một cơ chế thuận lợi và khuyến khích sáng tạo, phát triển tài sản trí tuệ  đem lại thành công cho doanh nghiệp và người dân đó chính là hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí  tuệ nói chung và tài sản trí tuệ nói riêng. Qua nghiên cứu phân tích thực trạng hoạt động quản lý nhà nước về tài sản trí tuệ cá tỉnh Tây Nguyên cho thấy trong những năm vừa qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhiều tín hiệu tích cực đã thể hiện, nhận thức và hành động của các địa phương đã cụ thể,  thực thi quyền sở hữu trí tuệ đã được triển khai cơ bản. Song bên cạnh đó, so sánh với tiềm năng của vùng đất Tây Nguyên với nhiều giá trị bản địa đặc thù gắn với tri thức truyền thống đa dạng và nhiều sức hấp dẫn thì hoạt động này còn chưa thực sự có hiệu quả tương xứng.

Minh Tuệ