Israel tìm ra thuốc điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19

(SHTT) - Truyền thông Israel mới đây đưa tin một công ty công nghệ sinh học của nước này đã thử nghiệm thành công một loại thuốc tiềm năng có thể sử dụng điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19. Hiện thuốc đã cho hiệu quả điều trị tích cực trên động vật.

Theo báo cáo, loại thuốc trên có tên MesenCure, do công ty Bonus Biogroup sản xuất.

 Đội ngũ phát triển thuốc MesenCure (từ phải sang): Tiến sĩ Dror Ben David, Tiến sĩ Shai Meretzky và Tomer Bronstein.

Loại thuốc mới này bao gồm thành phần từ các tế bào gốc lấy từ mô mỡ của người hiến tặng khỏe mạnh.

Những tế bào này sẽ được truyền trực tiếp vào máu của bệnh nhân mắc COVID-19, qua đó sẽ giúp giảm viêm nhiễm và phục hồi các mô phổi.

Hiện thuốc này đã được tiến hành thử nghiệm tiền lâm sàng trên động vật và cho kết quả tích cực khi có thể làm giảm 47% chất lỏng tích tụ trong phổi của động vật. 

Công ty hiện đang chờ Chính phủ Israel cấp phép để tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân mắc COVID-19.

Trước đó, nghiên cứu của các nhà khoa học Hong Kong (Trung Quốc) công bố trên Tạp chí Y khoa The Lancet ngày 9/5 cho thấy, việc kết hợp 3 loại thuốc ức chế virus corona chủng mới SARS- CoV-2 bao gồm interferon beta-1b, lopinavir-ritonavir và ribavirincho sẽ cho kết quả điều trị nhanh gần gấp đôi so với việc chỉ áp dụng 1 loại thuốc duy nhất.

 

Giáo sư Yuen Kwok-yung, huyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu Hong Kong – người đứng đầu nghiên cứu, cho biết: Thử nghiệm của chúng tôi chứng minh rằng, việc điều trị sớm bệnh Covid-19 ở giai đoạn nhẹ cho đến trung bình thông qua việc kết hợp 3 loại thuốc kháng virus nói trên có thể làm giảm các triệu chứng và giảm nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên chăm sóc bằng cách giảm thời gian và giảm lượng virus. Phương pháp điều trị này đã cho kết quả an toàn khi các bệnh nhân đều tiếp nhận khá tốt.

Thử nghiệm mới nhất vừa được tiến hành trên 127 bệnh nhân trưởng thành nhiễm Covid-19 đang điều trị tại 1 trong 6 bệnh viện công của Hong Kong trong khoảng thời gian từ 10/2 – 20/3. Kết quả cho thấy, lượng virus bị ức chế gia tăng rõ rệt đối với các bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp kết hợp chỉ trong 7 ngày, so với mức trung bình 12 ngày.

Bệnh nhân cũng giảm triệu chứng ho trong 4 ngày, chỉ bằng một nửa thời gian so với việc áp dụng riêng một loại thuốc. Thời gian nằm viện vì vậy cũng ngắn hơn đáng kể, tầm 9 ngày so với 14,5 ngày thông thường.

Tiến sĩ Sarah Shalhoub, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm thuộc Đại học Western (Canada) nhận định, nghiên cứu chắc chắn sẽ tạo ra một bước tiến mới trong việc tìm kiếm liều thuốc điều trị hiệu quả kháng virus SARS-CoV-2 trong thời gian tới.

Thái An