Sinh viên Đà Nẵng chế tạo thành công Robot điều khiển từ xa, diệt virus bằng tia UV

(SHTT) - Robot điều khiển từ xa, diệt virus bằng tia UV do nhóm sinh viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng chế tạo đã nhận được nhiều lời đánh giá cao của các chuyên gia. Robot này có khả năng diệt khuẩn đến 99%.

 Vào chiều ngày 28/4, Bệnh viện Đà Nẵng đã tổ chức buổi thực nghiệm thành công với UV Robot. Đây là thành quả sau 3 tuần lên ý tưởng, chế tạo, vận hành của nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng.

Thầy Phan Nguyễn Duy Minh, Trưởng nhóm nghiên cứu UV Robot cho biết Robot có thể phát ra tia cực tím UVC với bước sóng vào khoảng 250 nanomet, tia này đã được chứng minh hiệu quả trong việc khử trùng vì có thể phá hủy DNA của virus, vi khuẩn, nấm mốc và những mầm bệnh khác (bao gồm cả "siêu vi khuẩn" kháng thuốc) trong không khí hoặc trên các bề mặt mà con người có khả năng tiếp xúc.

"Với công suất thiết kế hệ thống đèn UV, Robot có thể diệt khuẩn 99% trong thời gian 30 giây với bán kính từ 1-2.5m, tùy thuộc vào chủng loại virus. Ví dụ đối với virus SARS-CoV-2, bán kính diệt khuẩn là 2.5m; virus HIV-1 bán kính diệt khuẩn 1m".

 Sinh viên Đà Nẵng chế tạo thành công Robot điều khiển từ xa, diệt virus bằng tia UV

"Hiện nay, giá thành một robot tự động diệt khuẩn bằng tia UV khoảng hơn 1 tỉ đồng. Tuy nhiên, chi phí nguyên vật liệu sản xuất UV Robot của nhóm chỉ khoảng 50 triệu đồng. Giá thành có thể giảm nếu sản xuất hàng loạt trong thời gian đến" – Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết.

UV Robot được định hướng sử dụng diệt khuẩn tại bệnh viện, khu vực cách ly, phòng mổ, phòng học tại các trường đại học nhằm thay thế con người, tránh nguy cơ tiếp xúc mầm bệnh, hỗ trợ tốt cho công tác phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm; đặc biệt là Covid-19.

Mới đây, 2 sản phẩm robot khử khuẩn mang tên Covid Defender 1.0 (CD1.0) và Disinfection Robot 1.0 (DR1.0) của nhóm nghiên cứu Robotics Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng đã được đưa vào sử dụng. Trong đó, robot CD1.0 được bàn giao cho Trung tâm cách ly tập trung phòng chống dịch Covid-19 tại Ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM, thực hiện công việc khử khuẩn thay cho một bộ phận nhân viên y tế.

Robot CD1.0 hoạt động ở khu vực chịu được nước, khử khuẩn bằng phương pháp phun hóa chất dạng dung dịch nên rất phù hợp phòng chống dịch Covid-19. Còn robot DR1.0 lại có ưu điểm hoạt động ở khu vực văn phòng, nhà ga, nơi đông người và khử khuẩn bằng phương pháp chiếu tia UV.

TS. Dương Thị Thùy Vân, nhóm nghiên cứu Robotics (Trung tâm Công nghệ thông tin ứng dụng Trường ĐH Tôn Đức Thắng), cho biết, robot được trang bị vi điều khiển STM34F4, cấu hình mạnh và tính năng vượt trội, được điều khiển từ xa với khoảng cách tối đa đến 2.000m. Trên thân robot được gắn điện thoại thông minh, cho phép dễ dàng quan sát và điều khiển thông qua cuộc gọi video. Với khả năng tải khoảng 170kg, thời gian làm việc liên tục 6 giờ, tốc độ di chuyển tối đa 15km/giờ, ngoài chức năng khử khuẩn, robot có thể phát triển thành nhiều loại robot có tính năng khác nhau, như robot vận chuyển thuốc men, vật tư y tế, thức ăn cho bệnh nhân, cứu hộ, cứu nạn...

Hải Lan