Sáng 11/4, cây ATM gạo đầu tiên ở Hà Nội đã hoạt động

(SHTT) - Cây ATM gạo đầu tiên ở Hà Nội đã hoạt động, kịp thời hỗ trợ, trao gửi những hạt gạo quý giá tới người dân gặp khó khăn vì dịch COVID-19.

Điểm khác biệt so với cây ATM gạo của TP Hồ Chí Minh chính là ở số kg gạo mỗi lần người dân đến nhận lên đến 3 kg gạo và cách thức lấy gạo không phải bấm nút, mà là dùng chân ấn vào bàn đạp (thiết bị kết nối với máy tự động nhả gạo). Điều này sẽ góp phần hạn chế tiếp xúc, lây lan dịch bệnh COVID-19.

Cây AMT gạo được đặt tại Trung tâm Văn hoá - Thể thao phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Thời gian nhận gạo từ 8 - 17 giờ.

Chia sẻ về chương trình này, TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc NXB sách Thái Hà, đơn vị tài trợ chương trình cho biết, khi chia sẻ dự án này lên mạng xã hội Facebook, đơn vị đã nhận được nhiều sự giúp đỡ đến từ các tình nguyện viên.

 Sáng 11/4, cây ATM gạo đầu tiên ở Hà Nội đã hoạt động

Khi "ATM gạo" đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam khiến nhiều người biết đến cái tên Hoàng Tuấn Anh (SN 1985), Giám đốc Công ty PHG Lock. Với mong muốn có thể giúp được người nghèo khó, bán vé số có thêm được bữa cơm ấm bụng, anh Hoàng Tuấn Anh, ngụ quận Tân Phú đã tận dụng những nguyên liệu có sẵn từ công ty để sáng chế ra chiếc máy phát gạo tự động.

Cấu tạo của máy bao gồm một nút bấm kết nối với một van tự động và một thùng chứa gạo được điều khiển thông minh qua phần mềm, nhờ vậy mà có thể quản lý được người nhận (có đúng người nghèo hay không và người đó có đến lấy nhiều lần trong một ngày không).

Những người có hoàn cảnh khó khăn khi đến nhận gạo phải xếp hàng cách nhau 2 mét và không tập trung quá 10 người để có thể rút gạo tự động. Người nhận khi đến chỉ cần bấm nút, gạo trong máy tự động chảy ra. Mỗi lần lấy được khoảng 1,5 - 2 kg.

"Ban đầu, tôi dự kiến trong khả năng của mình mỗi ngày nạp vào máy 500 kg gạo. Thế nhưng, từ khi khai trương đến nay, lượng người đến càng ngày càng đông. May mắn là trong những ngày gần đây, nhiều nhà hảo tâm cùng chung tay với tôi, họ chở gạo đến để cùng chia sẻ cho những người khó khăn.

Nhiều người gọi máy phát gạo tự động mà tôi chế tạo là cây "ATM gạo", người thì gọi là "ATM niềm tin" – niềm tin vào xã hội vì còn có rất nhiều người có tấm lòng hảo tâm dang tay giúp đỡ người nghèo trong cơn khốn khó", anh Tuấn Anh chia sẻ.

Hải Hà