Điểm bán hàng bình ổn: một số địa chỉ chưa rõ

Sở Công thương TP.HCM vừa công bố tình hình phát triển điểm bán hàng bình ổn trên địa bàn ba tháng qua. Theo đó, trên địa bàn TP.HCM hiện có đến 3.460 điểm bán.

Thế nhưng theo khảo sát của chúng tôi, việc mua hàng bình ổn còn gặp một số khó khăn vì có một số địa chỉ chưa rõ. 

Theo Sở Công thương, đến nay đã có 39 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình bình ổn năm 2012, tăng bảy doanh nghiệp so với năm 2011. Điểm mới của chương trình năm nay là có sự tham gia phân phối hàng hóa của hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích... với nhiều đơn vị bán lẻ có thương hiệu tham gia như: Co.op Mart, Big C, Maximark, Citimart... Trong đó, có 16 đơn vị nhận vốn và tới 23 đơn vị không nhận vốn.

Ngoài ra, các doanh nghiệp đã tổ chức 223 chuyến bán hàng lưu động theo nhóm với doanh số 7,5 tỉ đồng và 89 chuyến bán hàng lưu động riêng lẻ của từng đơn vị với doanh số 345 triệu đồng. Bên cạnh đó, báo cáo còn cho biết vấn đề tiền thuê mặt bằng, chi phí vận chuyển thời gian gần đây tăng cao... đã gây khó khăn cho các đơn vị tham gia bình ổn.

Theo khảo sát ngẫu nhiên của Tuổi Trẻ trên địa bàn Q.12, với hơn chục điểm bán hàng bình ổn theo danh sách Sở Công thương TP.HCM công bố thì hầu hết trong số đó không tồn tại hoặc tồn tại...lộn địa chỉ. Chúng tôi tìm đến bốn địa điểm bán hàng bình ổn tại khu vực chợ cư xá Bà Điểm thuộc Q.12 theo danh sách của Sở Công thương nhưng trên thực tế địa bàn này thuộc huyện Hóc Môn và chợ này cũng không thuộc danh sách các chợ thuộc diện quản lý của Sở Công thương TP.HCM.

Tìm tới tất cả bốn địa chỉ, chúng tôi không thấy bất kỳ một cửa hàng nào. Bà Phạm Thị Hà, người dân khu vực này, cho biết: “Có cửa hàng bình ổn ở đây nữa hả? Tôi chưa nghe thấy bao giờ”.

Tương tự, theo danh sách của Sở Công thương có điểm bán hàng bình ổn là chị Tươi ở số 11 chợ Việt Hưng (Q.12) tham gia bình ổn thị trường theo đơn vị Ba Huân, nhưng tìm khắp cả quận này chúng tôi cũng không thấy chợ nào có tên như trên. Theo nhiều người dân, chỉ có duy nhất chợ dân sinh nằm phía sau Công ty may Việt Hưng (P.Trung Mỹ Tây, Q.12). Tuy nhiên, tìm đến khu vực này thì nhiều hộ kinh doanh tại đây cho biết thời gian gần đây chợ đã bị dẹp vì hoạt động trái phép.

Chúng tôi tìm đến cửa hàng Thảo Nguyên trên đường Nguyễn Ảnh Thủ (P.Hiệp Thành, Q.12), địa chỉ ghi trong danh sách là số 3 nhưng thực tế cửa hàng này nằm ở số 1 và nhìn bên ngoài hoàn toàn không nhận biết được đây là điểm bán hàng bình ổn. Không có bảng hiệu, bên trong các quầy kệ chỉ có miếng giấy ghi vỏn vẹn “Tại đây bán hàng bình ổn giá”.

Cũng theo danh sách của Sở Công thương, trên hai con đường Nguyễn Ảnh Thủ và Lê Văn Khương có tới bốn điểm bán hàng bình ổn. Tuy nhiên, tìm mệt mỏi cũng không thể kiếm ra số nhà 73 Lê Văn Khương, P.Thới An, Q.12.

Ông Nguyễn Văn Huy (P.Thới An, Q.12) cho biết dãy số lẻ trên con đường này thuộc về P.Hiệp Thành chứ không thể nằm ở P.Thới An. Trong khi đó chị Phạm Thu Trang, một người dân ở đây, tỏ ra lạ lẫm: “Nghe nói có các cửa hàng bình ổn giá nhưng chúng tôi chẳng biết tìm các cửa hàng đó ở đâu để mua hàng”.