Singapore tiếp tục dẫn đầu châu Á về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

(SHTT) - Việc xếp hạng Singapore nằm trong các nước đứng đầu thế giới về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ dựa trên ba tiêu chí cốt lõi là quyền về tài sản vật chất, quyền sở hữu trí tuệ cũng như môi trường pháp lý và chính trị để thực thi những quyền này.

Theo báo cáo thường niên của Liên minh về Quyền sở hữu trí tuệ có trụ sở tại Mỹ vừa được công bố, Singapore tiếp tục duy trì vị trí đứng đầu châu Á về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ kể từ năm 2015.

Báo cáo Chỉ số quyền sở hữu trí tuệ quốc tế (IPRI) của liên minh trên cho biết trong danh sách 129 nước được xếp hạng trên toàn cầu, Singapore ở vị trí thứ tư, sau Phần Lan, Thụy Sỹ và New Zealand. Tiếp theo là Australia và Nhật Bản. Mỹ tăng thêm hai bậc lên vị trí thứ 12.

Việc đánh giá xếp hạng dựa trên các dữ liệu từ các nguồn chính thức của các tổ chức quốc tế khác nhau cùng với nghiên cứu tình huống của 118 tổ chức tư vấn chiến lược và các tổ chức nghiên cứu về chính sách ở 72 nước.

(Ảnh minh họa: Straitstimes) 

Việc xếp hạng Singapore nằm trong các nước đứng đầu thế giới về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ dựa trên ba tiêu chí cốt lõi là quyền về tài sản vật chất, quyền sở hữu trí tuệ cũng như môi trường pháp lý và chính trị để thực thi những quyền này.

Gần đây, Singapore đã đưa ra ứng dụng đăng ký thương hiệu qua điện thoại di động đầu tiên trên thế giới; đồng thời thúc đẩy nhanh quá trình làm thủ tục xin cấp bằng sáng chế trong các lĩnh vực chủ chốt như công nghệ tài chính, an ninh mạng và robot.

Tại Việt Nam, vấn đề sở hữu trí tuệ cũng đang nhận được nhiều sự quan tâm, mới đây, trong hai hội thảo liên tiếp diễn ra tại Hà Nội và TP.HCM về bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã cùng nhau thảo luận về yêu cầu cấp thiết phải nâng cao năng lực của cơ quan sở hữu trí tuệ trong việc xử lý đơn đăng ký các đối tượng mới. Áp dụng chính xác công nghệ mới trong việc vận hành cơ quan sở hữu trí tuệ, đặc biệt là công nghệ blockchain, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo. Đồng thời, phải thúc đẩy hợp tác về bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở quy mô khu vực và toàn cầu, vì nhiều vấn đề sở hữu trí tuệ đã vượt ra khỏi biên giới một quốc gia và bản thân mỗi quốc gia riêng rẽ không thể xử lý được.

Theo ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, một trong những nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho hệ thống sở hữu trí tuệ là phải được xây dựng và vận hành thật sự hiệu quả, kiến tạo cho đổi mới sáng tạo, thúc đẩy thương mại hóa tài sản trí tuệ, từ đó, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Để làm được như vậy, ông Lê Ngọc Lâm cho rằng Việt Nam cần hoàn thiện và đổi mới cơ chế bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các đối tượng sở hữu trí tuệ mới được tạo ra từ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chẳng hạn như bảo hộ sáng chế trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật, in 3D, công nghệ nano, công nghệ vật liệu mới...; hoàn thiện cơ chế và nâng cao năng lực thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là trên môi trường Internet.

Hoài Anh