Cục trưởng Đinh Hữu Phí: Cần đẩy mạnh nhận thức sở hữu trí tuệ trong trường đại học

(SHTT) - Quyền sở hữu trí tuệ ngày càng giữ vai trò quan trọng vì vậy cần tạo cơ sở thuận lợi cho công tác đào tạo và tuyên truyền về sở hữu trí tuệ (SHTT) đối với lực lượng lao động trẻ là sinh viên trong các trường.

Mới đây, Hội thảo “Quyền sở hữu trí tuệ và quản lý quyền sở hữu trí tuệ trong trường đại học" đã được tổ chức nhằm tạo cơ sở thuận lợi cho công tác đào tạo và tuyên truyền về sở hữu trí tuệ (SHTT) đối với lực lượng lao động trẻ là sinh viên trong các trường, từ đó góp phần nâng cao nhận thức cũng như từng bước nâng cao vị thế kinh tế của khu vực.

Hội thảo cũng góp phần khởi đầu cho sự kết nối giữa các trường Đại học, các nhà sáng chế học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, tìm mô hình quản lý và khai thác phù hợp với điều kiện thực tế của từng trường.

 Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam Đinh Hữu Phí

Tại hội thảo, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam Đinh Hữu Phí cho rằng, sở hữu trí tuệ ở khu vực miền Trung chưa được quan tâm nhiều, chính vì vậy, cần tăng cường kết nối giữa Cục Sở hữu trí tuệ và các trường đại học, các doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh việc nhận thức về sở hữu trí tuệ nói chung và sở hữu trí tuệ trong các trường đại học nói riêng.

Việc chưa đăng ký bảo hộ sáng chế khi công bố trên các phương tiện truyền thông đại chúng rất dễ bị “sao chép” ý tưởng. Thời gian tới, Cục Sở hữu trí tuệ sẵn sàng tổ chức nhiều hơn nữa các lớp tập huấn, hội thảo về sở hữu trí tuệ và tra cứu thông tin sáng chế.

Cũng tại hội thảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho rằng, cần đổi mới phương thức đầu tư cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu, phương tiện cần thiết tạo điều kiện cho cán bộ, sinh viên của trường có thể đến để thực hiện ý tưởng của mình; chuyển hướng đầu tư thư viện truyền thống sang đầu tư bản quyền khai thác cơ sở dữ liệu khoa học, công nghệ, dữ liệu phát minh sáng chế. Đây là những thông tin quan trọng để các nhà nghiên cứu định hướng được sản phẩm của mình, tránh sự trùng lặp, tiếp tục phát triển những thành quả mà các nhà khoa học đi trước đã làm.

Có thể thấy hoạt động sở hữu trí tuệ vẫn còn có nhiều hạn chế trong các viện/trường. Hạn chế đầu tiên là phần lớn các viện/trường chưa có một chính sách riêng về SHTT phù hợp với điều kiện hoạt động của trường hoặc có chính sách phân định về quyền sở hữu để phân chia lợi nhuận khi tài sản trí tuệ được thương mại hóa nhưng chưa nhiều. Thứ 2, mặc dù nhận thức về SHTT trong các viện/trường hai năm trở lại đây được gia tăng rõ rệt nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, việc xác lập quyền bảo hộ sáng chế cho các sản phẩm nghiên cứu khoa học chưa được nhận thức một cách đầy đủ. Nguyên nhân thứ 3 là do các viện/trường chưa có một tổ chức có chức năng về SHTT và chuyển giao công nghệ để hỗ trợ cho các nhà khoa học. Vấn đề tiếp theo là việc khai thác thông tin sáng chế của các viện/trường không được chú trọng, gây ra tình trạng lãng phí nguồn lực. Hạn chế cuối cùng, đa phần các nhà khoa học cũng không nhận thức được đồng thời với việc đẩy mạnh công bố các bài báo khoa học, cần phải tiến hành bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, đặc biệt là bảo hộ sáng chế cho các kết qủa nghiên cứu của mình.

Minh Hà