Thứ trưởng Bùi Thế Duy: 'Doanh nghiệp đầu tư cho KHCN và đổi mới sáng tạo là phải chấp nhận rủi ro'

(SHTT) - Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ đã đưa ra 3 thông điệp quan trọng cho cộng đồng DN. Một là DN đầu tư cho KHCN và ĐMST là phải chấp nhận rủi ro. Cả Nhà nước, DN và người dân đều phải thấy rằng đầu tư cho KHCN và ĐMST là rủi ro.

 Đây là nhận định của ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, đưa ra trong phiên thảo luận với chủ đề "Đổi mới khoa học công nghệ và cơ hội với Việt Nam" trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (Vietnam Business Summit 2019) vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Theo ông Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công ngh, chìa khóa để Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình chính là đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo (ĐMST). Khi doanh nghiệp (DN) áp dụng công nghệ mới sẽ giúp cải thiện năng suất lao động, tăng thu nhập cho người lao động. Và đây là thời điểm Việt Nam cần có sự chuyển đổi về chiến lược để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy: 'Doanh nghiệp đầu tư cho KHCN và đổi mới sáng tạo là phải chấp nhận rủi ro' 

Theo đó, Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ đã đưa ra 3 thông điệp quan trọng cho cộng đồng DN. Một là DN đầu tư cho KHCN và ĐMST là phải chấp nhận rủi ro. Cả Nhà nước, DN và người dân đều phải thấy rằng đầu tư cho KHCN và ĐMST là rủi ro.

"Rủi ro nhiều thì lợi nhuận lớn. Tôi tin rằng tất cả các DN đều hiểu khi đã kinh doanh thì phải chấp nhận rủi ro. Nếu thành công 100% thì không bao giờ là DN cả", ông Bùi Thế Duy giải thích.

Hai là mặc dù tri thức là của chung tất cả mọi người nhưng đến một giai đoạn nào đó phải hiểu rằng tài sản trí tuệ phải được bảo hộ. Cũng như khai hoang vùng đất mới, ai cắm cờ trước thì những người đến sau không được cắm nữa và trong công nghệ ai đi trước và bảo hộ rồi thì người đi sau phải trả tiền mua hoặc thuê công nghệ. DN phải có ý thức bảo hộ cho tài sản trí tuệ của mình cũng như phải đầu tư tìm ra cái mới trước người khác.

Ba là rất mong các DN hiểu tinh thần rằng muốn đi nhanh phải đổi mới công nghệ, cập nhật công nghệ nhanh nhất, kể cả công nghệ số. Tuy nhiên, nếu DN muốn đi xa thì phải làm chủ và hấp thụ công nghệ.

Với các DN nhỏ và vừa, Thứ trưởng cho rằng cần tập trung đổi mới, hấp thụ công nghệ , trong đó đặc biệt cần chú trọng vào đổi mới quy trình quản lý. Bởi với công nghệ mới cập nhật mà không đổi mới hệ thống quản lý, doanh nghiệp sẽ không thể tận dụng hiệu quả công nghệ mới để tạo ra sản phẩm mới , không nâng cao năng suất lao động doanh nghiệp.

Đề cập tới các chính sách giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo (ĐMST) và khởi nghiệp tại Việt Nam, Ông Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ cho biết, Chính phủ coi ĐMST là mũi nhọn để thúc đẩy nền kinh tế.

"Chúng tôi nghĩ rằng, ĐMST ngày càng trở thành một phần không thể thiếu trong nền kinh tế Việt Nam. Các hệ thống chính sách dành cho khoa học công nghệ (KHCN) và ĐMST đã tương đối đầy đủ và đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy phát triển của DN, đặc biệt là DN hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Tuy vậy, những chính sách của Đảng và Chính phủ để thúc đẩy doanh nghiệp (DN) đổi mới, hấp thụ và phát triển công nghệ vẫn còn đang rất hạn chế bởi chưa thực tiễn, chưa đến được các "tai" của DN, chưa nhận được sự quan tâm của DN. DN Việt Nam mới chỉ dừng lại ở phân khúc làm chủ công nghệ, chưa có phân khúc tạo ra công nghệ.", Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ chia sẻ.

Để thúc đẩy tinh thần đó, Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ cho rằng, bản thân các DN cần góc độ kinh tế, tài chính để khuyến khích, để tạo động lực cho DN đầu tư vào KHCN và ĐMST.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy bày tỏ mong muốn đặt hàng VCCI cùng với các doanh nghiệp để nhìn nhận và tổng hợp lại các đề xuất, để thông qua Bộ KH&CN và các bộ khác trình lên Chính phủ sửa đổi chính sách cho phù hợp. Và trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung vào việc dịch chuyển chính sách kinh tế để thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới KHCN và ĐMST.

Ngoài ra, theo ông Bùi Thế Duy, Nhà nước cần tháo bỏ rào cản, vướng mắc không đồng bộ giữa các luật và chính sách hiện tại để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Nhà nước cũng cần "thông" quan điểm đầu tư cho doanh nghiệp là đầu tư lâu dài, tức là nuôi dưỡng năng lực đổi mới KHCN và ĐMST cho doanh nghiệp là bước đi dài chứ không phải ngay lập tức có phần đóng góp của doanh nghiệp.

Hoài Anh