Tránh rơi vào “Bẫy giá trị”

(SHTT) - Nguyên nhân rơi vào bẫy giá trị và sự phi lý trí tột cùng khi con người đối diện với nỗi sợ hãi, cảm giác bị mất tài sản đã từng sở hữu lại đến từ chính bản thân các nhà đầu tư bắt nguồn từ quá trình nghiên cứu và chuẩn bị không đầy đủ.

“Bẫy giá trị” (value trap) là những sai lầm trong các quyết định đầu tư vào cổ phiếu có hệ số giá/lợi nhuận rất thấp, hoặc hệ số giá thị trường giá trị sổ sách thấp, hoặc đơn giản nhất là giá thị trường sau một đợt giảm rất dài nên nhìn có vẻ rẻ và kết quả là nhà đầu tư mua vào với một lượng rất ít thông tin khác được xem xét.

Hiện nay, có nhiều phương pháp phân tích phổ biến và đơn giản giúp nhà đầu tư tự đánh giá một mô hình kinh doanh từ những công ty còn non trẻ cho tới những công ty đã hoạt động lâu năm và có lợi thế cạnh tranh bền vững nhằm tránh bị rơi vào bẫy giá trị.

 

Chẳng hạn, phương pháp 2 chữ “Ng”, bao gồm ngành và người, đây là phương pháp hay được nhắc tới trên chương trình truyền hình Shark Tank Việt Nam, sử dụng để đánh giá nhanh các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up).

Hay phương pháp net - net, mục tiêu là tìm kiếm những công ty có “tài sản ngầm”, một chất xúc tác và một sự giải phóng giá trị tài sản đó chia lại cho các cổ đông.

Cha đẻ của phương pháp này là Benjamin Graham. Thông thường, nhà đầu tư nhìn vào mối tương quan thuận chiều giữa thị giá với giá trị sổ sách có thể dễ mắc sai lầm, đôi khi không có sự tương quan nào trong ngắn hạn giữa hai biến số này trong ngắn hạn.

Hoặc phương pháp 4 chữ M, bao gồm: Meaning (mô hình kinh doanh), Moats (lợi thế cạnh tranh), Management (ban quản trị), Mos (biên an toàn) của nhà đầu tư rất thành công Phil Town.

Cách làm này đòi hỏi nhiều thời gian và đánh giá một cách tổng quan hơn, phù hợp với những công ty đã có những thành công và bề dày lịch sử hoạt động.

Dù là dùng bất kỳ phương pháp nào thì nhà đầu tư cũng phải hiểu rõ trình tự, phạm vị, hoàn cảnh, đối tượng áp dụng và tập trung vào 3 nhân tố: mô hình kinh doanh, con người và giá cả, đã được áp dụng và chứng minh thực tế từ rất nhiều nhà đầu tư thành công trên thế giới trong hàng trăm năm qua.

Sự thay đổi trật tự của 3 nhân tố này có thể kết thúc với một cái bẫy giá trị do chính nhà đầu tư đó tạo ra và điều này giải thích tại sao nhà đầu tư thường xuyên có các quyết định sai lầm.

Bởi vì, điều họ quan tâm là tại sao những người bạn, một đám đông khác có thể kiếm tiền từ chứng khoán một cách dễ dàng, khởi nguồn của suy nghĩ sai lệch là trả lời câu hỏi tại sao đó với động cơ là kiếm tiền nhanh và bị cuốn vào những “con sóng” trên thị trường.

Theo Ben Graham, vấn đề lớn nhất hay kẻ thù lớn nhất của nhà đầu tư chính là họ, vì vậy, đầu tư không phải là cuộc chơi để chiến thắng những kẻ khác, mà đó là việc kiểm soát chính bản thân trong chính trò chơi của họ.

Đối với nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett, trong những ngày đầu của sự nghiệp, ông cảm thấy hân hoan và hạnh phúc khi nhìn thị trường tăng.

 Tỷ phú Warren Buffett và tỷ phú Bill Gates 

Sau quá trình đầu tư lâu dài, mỗi khi thị trường giảm mạnh, giá mua vào thấp nhất lại trở thành “người bạn” của ông.

Trong khi mọi người đua nhau bán tháo thì ông chỉ việc ngồi mỉm cười hạnh phúc vì sở hữu được những công ty tuyệt vời với mức giá tốt, đó là điểm khác biệt đầu tiên.

Điểm khác biệt tiếp theo là ông thực sự rất hiểu những gì mình sẽ và đang sở hữu, trong khi những người chạy theo đám đông phải sớm lo lắng về vấn đề khi nào đám đông rời khỏi.

Hai điểm khác biệt trên sinh ra niềm tin vững chắc và tính kỷ luật trong đầu tư, vì sở hữu một tài sản dựa trên những nền tảng chắc chắn thì việc bán ra gần như là không bao giờ, trừ khi những nền tảng đó thay đổi.

Tỷ phú Charlie Munger chia sẻ, ông nhận ra rất sớm rằng, việc làm giàu nhanh là cực kỳ nguy hiểm, tốt hơn hết là nên biết cả những gì mà mình không biết.

Còn Bill Gates cũng đã nói, con người thường đánh giá quá cao những gì họ làm được trong 1 năm, nhưng lại đánh giá quá thấp những gì mà họ có thể làm trong 10 năm.

Trên thực tế, nói chuyện về các chiến lược dài hạn khá dễ dàng, nhưng ít nhà đầu tư thực hiện các chiến lược dài hạn, trong khi của cải chủ yếu sinh ra từ những tư duy dài hạn.

Xuân Nhàn