Phát minh mới về loại gel có thể bảo vệ cây khỏi cháy rừng

(SHTT) - Các nhà khoa học tại Đại học Stanford mới đây đã nghiên cứu ra một hợp chất có thể hoạt động như một chất chống cháy. Hợp chất này được kỳ vọng sẽ bảo vệ cây rừng ở những khu vực dễ xảy ra cháy, cũng như giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các vụ cháy rừng.

Thời gian vừa qua, chúng ta phải liên tiếp đón nhận thông tin về các vụ cháy lớn xảy ra trên khắp các châu lục, điển hình như vụ cháy rừng tại Quần đảo Canary (Tây Ban Nha), Alaska (Mỹ), Greenland (Đan Mạch), Siberia (Nga), Indonesia, Hy Lạp… và mới đây nhất là vụ cháy rừng Amazon gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Một vài các đám cháy xuất phát từ nguyên nhân khách quan, nhưng hầu hết các vụ cháy rừng ngày nay là do con người gây ra và đang ngày càng có xu hướng mở rộng và mất kiểm soát.

Các chất làm chậm cháy hiện thường được sử dụng để ngăn các đám cháy bùng phát và lan rộng thường chứa amoni photphat hoặc các chất dẫn xuất của hợp chất này. Tuy nhiên, hầu hết các chất không bền, làm giảm khả năng phòng ngừa các đám cháy. Còn những chất ức chế được sử dụng để kiểm soát các đám cháy lại ở dạng gel, chứa nước và polyme siêu hấp phụ, do đó sẽ mất khả năng chữa cháy một khi nước bốc hơi.

Chất làm chậm cháy mới được phát triển bởi các nhà khoa học tại Đại học Stanford là một chất lỏng giống gel được chế tạo từ cellulose. Hợp chất này rất bền, thân thiện với môi trường và khó bị tách rời khỏi thảm thực vật khi có tác động của mưa gió.

 Thảm cỏ (phải) được phủ chất làm chậm cháy mới không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi ngọn lửa. Thảm cỏ (trái) không được sử dụng chát chống cháy mới nhanh chóng bị ngọn lửa thiêu rụi. Ảnh: Eric Appel / Stanford

"Bạn có thể sử dụng 76.000 lít hợp chất mới này tại khu vực muốn phòng tránh xảy ra cháy, hoặc 3.780.000 lít theo công thức truyền thống để dập tắt đám cháy", theo Anthony Yu, tác giả chính của nghiên cứu.

Trong các thử nghiệm thực địa, các nhà khoa học đã sử dụng hợp chất này trên cỏ và cây bụi. Nó đã ngăn chặn thành công các đám cháy bùng phát, ngay cả sau khi trải quan trận mưa 13mm.

"Điều này có thể giúp cho việc chữa cháy ở các khu vực hoang dã trở nên chủ động hơn nhiều. Những gì chúng tôi làm bây giờ chỉ là giám sát các khu vực dễ xảy ra cháy và chờ đợi khi ngọn lửa bùng phát mới nhanh chóng đi xử lý", tác giả nghiên cứu cao cấp Eric Appel, trợ lý giáo sư khoa học vật liệu và kỹ thuật tại Trường Kỹ thuật Stanford cho hay.

"Chúng tôi hy vọng hợp chất mới này có thể mở ra cánh cửa để xác định và xử lý các khu vực có nguy cơ cao xảy ra cháy để bảo vệ cuộc sống và sinh kế của người dân", theo Alan Peters, chuyên gia tại Sở Lâm nghiệp và Phòng cháy chữa cháy California tại San Luis Obispo.

Thúy Hằng