Hoài bão của chàng kỹ sư công nghệ sáng lập thương hiệu xe máy điện DatBike

(SHTT) - Với dự án sản xuất xe máy điện Datbike, Nguyễn Bá Cảnh Sơn đã kêu gọi thành công 60.000 USD cho 2% cổ phần từ Shark Hưng.

Trong tập 10 của Shark Tank mùa 3, để lại ấn tượng nhất chắc hẳn là Datbike, startup chuyên sản xuất xe máy điện, với Co-Founder & CEO là bạn Nguyễn Bá Cảnh Sơn, một kỹ sư CNTT trở về từ Thung lũng Silicon (Mỹ), người được Shark Dũng cho rằng là hình tượng thanh niên "đi thật xa để trở về". Hình ảnh chiếc xe máy điện Datbike (mẫu Weaver) xuất hiện chắc hẳn sẽ khiến nhiều người muốn tìm hiểu kỹ hơn, nhất là giới đam mê xe.

 Datbike gây ấn tượng tại Shark Tank mùa 3

Đến chương trình Shark Tank Việt Nam, Cảnh Sơn kêu gọi 50.000 USD cho mỗi 0,5% cổ phần.

Cậu học trò Nguyễn Bá Cảnh Sơn từng là niềm tự hào của người dân Đà Nẵng. Cuối tháng 8/2008, nhiều người dân vui mừng khi Cảnh Sơn (khi ấy học lớp 12A2 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) xuất sắc giành Huy chương Bạc trong kỳ thi Olympic Tin học quốc tế lần thứ 20 tổ chức tại Ai Cập.

Sau đó, Sơn đi du học ở Mỹ và từng có thời gian làm kỹ sư phần mềm tại Silicon Valley. Tại đây anh nhận thấy các công ty xe điện, đặc biệt như Tesla đang nổi lên như một giải pháp giao thông sạch. Tuy nhiên, những sản phẩm của Tesla lại hướng đến những người dùng có thu nhập cao. Xu hướng đang đi lên, nhưng lại không có ai giúp đưa giải pháp này trở nên thực tiễn hơn. Đặc biệt là những nước đang phát triển như Việt Nam, nơi những vấn đề về ô nhiễm môi trường lại xảy ra nghiêm trọng hơn, nhưng hiếm ai có khả năng chi trả cho một con xe đắt đỏ như vậy.

 Hoài bão của chàng kỹ sư công nghệ sáng lập thương hiệu xe máy điện DatBike

Vì vậy anh về Việt Nam với hoài bão là không muốn thấy ai ra đường phải sử dụng đến khẩu trang.

Nghĩ là làm, thạc sĩ sinh năm 1990 này trở lại Mỹ tìm câu trả lời cho ý tưởng của mình. Tháng 2/2018, tại California, Sơn bắt đầu nghiên cứu chế tạo xe máy điện theo hướng gọn nhẹ, tiết kiệm chi phí vận hành và không gây ô nhiễm môi trường. Dưới sự tư vấn, hỗ trợ từ những bạn bè và chuyên gia thân quen tại Mỹ, bản thử nghiệm đầu tiên ra đời. Ý tưởng được hiện thực hóa, tiếp theo là khâu kêu gọi vốn.

Đến đầu năm 2019, Sơn rủ một người bạn Mỹ đồng sáng lập công ty Dat Bike và cho ra đời mẫu xe thương mại đầu tiên với tên gọi Weaver. Đây là chiếc xe máy điện đầu tiên ở Việt Nam được đánh giá đạt khả năng tăng tốc cao hơn xe máy chạy xăng hiện nay. Bản quyền thương hiệu sớm được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Đến thời điểm hiện tại, tức tháng 4/2019, Dat Bike đã nhận được 20 đơn đặt hàng, một phần trong số đó đã được đưa ra thị trường.

 

Sơn chia sẻ đã từng nhốt mình trong một căn phòng nhỏ bên Mỹ và tự học từ cách hàn, gia công cơ khí, học vẽ. Team của Sơn có rất nhiều người là kĩ sư phần mềm từ Silicon Valley về nhưng thiếu chiến lược kinh doanh.

Để kiểm chứng chất lượng cho “đứa con tinh thần” của mình, nhiều lần Sơn đã cho chạy thử xe trên cung đường đèo Hải Vân, dừng chân ở Hải Vân quan trước khi đổ dốc về Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Sơn mời nhiều người chạy Weaver trên phố Đà Nẵng, nhiều ý kiến cho biết yêu thích vì chiếc xe khá nhẹ, nhưng tốc độ ngang với tốc độ trung bình của nhiều xe gắn máy chạy xăng hiện nay. 

 Cận cảnh chiếc xe máy điện của Nguyễn Bá Cảnh Sơn

Sơn hy vọng Weaver có thể khắc phục được những hạn chế của các dòng xe máy điện trên thị trường hiện nay như kiểu dáng chưa đẹp, tuổi thọ pin xe thấp, tốc độ chưa cao so với xe chạy xăng và khó di chuyển trên đường núi, dốc…  

Nhìn qua xe máy điện của Datbike có thiết kế khá đẹp, phong cách, và có cá tính như các dòng xe classic, máy trần. Đồng thời công suất động cơ xe Datbike đạt tới 4.500W, tốc độ tối đa 80 km/h, khả năng tăng tốc từ 0 đến 50 km/h chỉ mất 3 giây. Theo giới thiệu, xe Datbike dùng pin Lithium, thời gian sạc pin đầy chỉ 3 tiếng đủ đi được hơn 100 km, công suất ngang bằng xe máy xăng - điều hiện nay chưa có trên thị trường.

Minh Vân