Xuất khẩu hàng hóa sang thị trường ASEAN: Khó khăn và giải pháp

(SHTT) - Việc xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ sang thị trường ASEAN của các doanh nghiệp Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Vì vậy các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ thuận lợi hóa thương mại trong khu vực ASEAN.

Kể từ khi gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Việt Nam đã phát huy vai trò và tăng cường cơ hội để tham gia sâu rộng hơn vào thị trường ASEAN.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng trong khi hàng hóa từ các nước trong khu vực, nhất là Thái Lan đang tràn vào Việt Nam thì các doanh nghiệp Việt vẫn tự mò mẫm từng bước để xâm nhập thị trường.

Điều này đã tạo áp lực không nhỏ cho các doanh nghiệp Việt về cạnh tranh từ các nước ASEAN cả trong sản xuất, kinh doanh và cung cấp dịch vụ. 

 Hội thảo “Các giải pháp hỗ trợ và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ sang thị trường ASEAN”

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tại các nước ASEAN đẩy mạnh giao dịch thương mại nội khối, Ban Thư ký ASEAN, dưới sự tài trợ của EU thông qua Chương trình ARISE Plus, đã triển khai Công cụ trực tuyến Tư vấn giải pháp cho doanh nghiệp khi xuất khẩu sang thị trường ASEAN (ASSIST - assist.asean.org). Đây là cơ chế tư vấn hữu ích, và hoàn toàn miễn phí, tại điều kiện cho các doanh nghiệp trong khối ASEAN khi gặp khó khăn vướng mắc có thể tương tác trực tiếp với các cơ quan chức năng của các nước thành viên để được tư vấn các giải pháp cụ thể nhằm thuận lợi hóa quá trình trao đổi hàng hóa trong nội khối, đảm bảo việc tuân thủ thực thi các thỏa thuận về kinh tế của ASEAN.

 Ông Paolo R.Vergano, Chuyên gia về thuận lợi hóa thương mại, ARISE Plus giới thiệu về Công cụ trực tuyến Tư vấn giải pháp cho doanh nghiệp khi xuất khẩu sang thị trường ASEAN (ASSIST - assist.asean.org) 

Các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn và vướng mắc khi xuất/nhập khẩu sang thị trường ASEAN, trong trường hợp muốn giữ kín danh tính, có thể thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các hiệp hội doanh nghiệp trong nước, văn phòng luật sư hay các cố vấn về kinh doanh/pháp lý để đại diện trao đổi về các vấn đề này với cơ quan chức năng nước bạn. Thông qua công cụ ASSIST, các cơ quan liên quan của Chính phủ các nước ASEAN sẽ có trách nhiệm phản hồi trong thời gian tối đa từ 40-60 ngày làm việc, kể từ khi yêu cầu giải đáp thông tin của doanh nghiệp được tiếp nhận. 

Nhằm mục đích hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng trong khối ASEAN, trong khuôn khổ Đề án 25 về “Đẩy mạnh hợp tác thương mại đầu tư song phương giữa Việt Nam với các nước đối tác chiến lược, quan trọng”, VCCI và EU ARISE Plus, với sự hỗ trợ của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) và Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) tổ chức Hội thảo “Các giải pháp hỗ trợ và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ sang thị trường ASEAN”.

 

Giới thiệu về Công cụ trực tuyến Tư vấn giải pháp cho doanh nghiệp khi xuất khẩu sang thị trường ASEAN (ASSIST - assist.asean.org), ông Paolo R.Vergano, Chuyên gia về thuận lợi hóa thương mại, ARISE Plus cho biết: ASSIST nhằm mục đích trở thành một công cụ hiệu quả cho việc tạo thuận lợi thương mại và hội nhập kinh tế khu vực. Nó vẫn mang tính tư vấn và không ràng buộc (tức là không tư pháp) về bản chất, nhưng dự định sẽ được quản lý chuyên nghiệp và đáng tin cậy. Nó cũng không nhằm mục đích xác định ai đúng và ai sai, mà là tìm giải pháp cho các vấn đề thương mại thực tế. Nó có thể được sử dụng ngay cả chỉ để tìm kiếm sự minh bạch hơn về quy định hoặc sự rõ ràng về diễn giải (ví dụ: quy tắc về nguồn gốc, chế độ hải quan, cấp phép, v.v.). Nó nhằm mục đích đáng tin cậy, minh bạch, đáp ứng và hiệu quả dựa trên các định dạng đơn giản và thân thiện với người dùng, với các hướng dẫn và quy trình rõ ràng.

 

ASSIST cũng giúp bảo mật và ẩn danh. Các công ty không còn cần phải nộp đơn khiếu nại dưới tên riêng của họ nếu họ sợ bị trả thù hoặc công khai xấu.

Minh Hà