Thành lập Hiệp hội tre luồng tỉnh Thanh Hóa: Cơ hội quảng bá hình ảnh xứ Thanh

(SHTT) - Ngày 17/9/2019, tại Lam Sơn đã diễn ra Đại hội Thành lập Hiệp hội tre luồng tỉnh Thanh Hóa lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2019 - 2024. Đại hội đã báo cáo về quá trình thành lập và phương hướng hoạt động của Hiệp hội trong thời gian tới.

Tham dự Đại hội, có sự góp mặt của ông Nguyễn Đức Quyền - Phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa; ông Lê Đức Giang - Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa và ông Lê Thanh Tam - Chủ tịch Hiệp hội tre luồng Thanh Hóa.

 
 Đại hội Thành lập Hiệp hội tre luồng tỉnh Thanh Hóa lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2019 - 2024

Hiệp hội tre luồng tỉnh Thanh Hóa là tổ chức xã hội - nghề nghiệp tự nguyện; tổ chức và hoạt động theo Điều lệ được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt; chịu sự quản lý nhà nước của Sở Công Thương Thanh Hóa và các sở, ngành có liên quan về lĩnh vực hoạt động của Hiệp hội. Hiệp hội có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; Hiệp hội tự bảo đảm kinh phí, trụ sở và phương tiện hoạt động.

Thanh Hóa có 152.659 ha tre, luồng phân bố chủ yếu ở 11 huyện phía Tây của tỉnh. Để phát huy tiềm năng, thế mạnh này, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế chính sách để hỗ trợ phát triển bền vững vùng nguyên liệu, tổ chức những đoàn công tác thăm, khảo sát công nghệ chế biến tre luồng tại các tỉnh trong nước và tại các nước Trung Quốc, Hàn Quốc. Đồng thời, tỉnh Thanh Hóa có nhiều chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp chế biến tre luồng.

 
 Một số hình ảnh khác tại Đại hội

Qua đó, trên địa bàn tỉnh đã có 126 cơ sở chế biến sản phẩm từ tre, luồng, trong đó có 9 HTX, 17 công ty trong nước, 1 công ty nước ngoài và 99 hộ kinh doanh cá thể, với các sản phẩm chủ yếu như vật liệu xây dựng, làm ván ép, ván dăm, làm tăm mành, đũa, đồ trang trí mỹ nghệ, nguyên liệu sản xuất giấy… Giá trị sản xuất hàng hóa từ tre, luồng hằng năm đạt khoảng 10 tỷ đồng. Trong đó, công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn là 1 trong những doanh nghiệp tiên phong trong công tác đa dạng hóa sản phẩm, phát huy tiềm năng, giá trị kinh tế cho tre luồng xứ Thanh với 2 dự án là Công viên sinh thái tre luồng Thanh Tam, dự án tre ép công nghiệp, với công suất 100.000 m3/năm…

Việc thành lập Hiệp hội tre luồng tỉnh Thanh Hóa là cơ hội để quảng bá hình ảnh, tiềm năng tre luồng xứ Thanh; thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến tre luồng của địa phương.

 
 
 
 
 

Đây là sự nỗ lực của tỉnh nói chung và nỗ lực của ông Lê Thanh Tam - Chủ tịch Hiệp hội tre luồng Thanh Hóa nói riêng, đưa hình ảnh tre luồng Việt Nam vươn ra thế giới.

Trụ sở chính của Hiệp hội được đặt tại khu du lịch Thanh Tam, Thọ Xuân (Thanh Hóa). Nơi đây có Công viên sinh thái Tre luồng Thanh Tam, một công viên lý tưởng cho phát triển du lịch sinh thái bền vững.

Được quy hoạch ở vùng đất truyền thống địa linh nhân kiệt, huyện Thọ Xuân khá phong phú về tiềm năng du lịch cả về cảnh quan, văn hóa, di tích lịch sử, là một huyện có bề dày lịch sử, văn hóa cách mạng với 56 di tích được xếp hạng, trong đó có 1 Di tích Quốc gia đặc biệt, 12 Di tích Quốc gia và 43 Di tích cấp tỉnh.

Thiên nhiên, lịch sử và con người của vùng đất này đã hòa quyện, tạo nên truyền thống lịch sử văn hóa; mảnh đất sản sinh ra nhiều vị anh hùng kiệt xuất nổi tiếng như: Lê Hoàn - vị vua thời Tiền Lê đã đóng góp nhiều công lao cho dân tộc; Lê Lợi - người làm nên cuộc kháng chiến chống quân Minh, lập ra triều đại Hậu Lê phát triển, hưng thịnh nhất trong lịch sử Việt Nam.

Những địa danh lịch sử nổi tiếng nhất là Khu di tích lịch sử - văn hóa đặc biệt Quốc gia Lam Kinh đang được đầu tư, phục hồi, tôn tạo, cùng với quần thể các di tích lịch sử trong khu vực như: Lũng Nhai, Chí Linh, dấu tích kinh đô Vạn Lại; đền thờ Lê Đại Hành, đền Tép (đền Lê Lai)… đồng thời với việc đầu tư xây dựng Khu du lịch Lam Kinh, lại nằm ở vị trí trung tâm của các khu du lịch nổi tiếng khác của tỉnh như: TP Thanh Hóa – Sầm Sơn, di sản văn hóa quốc tế thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc), Bến En (Như Thanh), Cửa Đạt, (Thường Xuân), Cửa Hà (Cẩm Thủy).

Công viên sinh thái Tre luồng Thanh Tam có thể coi là một công viên lý tưởng cho phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, gắn với lưu trữ những giá trị gen quý, đa dạng sinh học của Việt Nam làm cơ sở nghiên cứu và phát triển công nghệ. Qua đó quảng bá thương hiệu tre luồng xứ Thanh và các sản phẩm truyền thống, sản phẩm cao cấp thay gỗ làm từ tre luồng.

Hương Mi - Đinh Điệp