Thanh Hóa: Phát triển du lịch sinh thái - cộng đồng là hướng đi chiến lược của xã Sơn Điện, Quan Sơn

(SHTT) - Sơn Điện xác định phát triển du lịch sinh thái - cộng đồng là đòn bẩy giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Sơn Điện là xã nghèo thuộc huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Đây là mảnh đất nằm ở vị trí chiến lược phía tây của tỉnh, có 1,8 km đường biên giới với nước bạn Lào. Diện tích tự nhiên của xã là 9.437,04 ha, đa phần là đồi núi với 4.745 nhân khẩum gồm các dân tộc Thái, Kinh, Mường cùng sinh sống nên rất khó khăn trong việc quản lý. Ngoài việc làm tốt công tác đối ngoại, giữ vững tình đoàn kết keo sơn với nước bạn Lào, Sơn Điện còn phải giữ sự hòa thuận, đồng lòng của các dân tộc Thái, Mường, Kinh trong xã. Đảng ủy, HĐND, UBND xã xác định để Sơn Điện phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, ổn định chính trị cần phải có kế hoạch cụ thể, những chính sách mang tính chiến lược.

 

Sơn Điện thay da đổi thịt nhờ những chính sách phát triển kinh tế gắn liền với đời sống nhân dân

Được sự quan tâm giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, đặc biệt là sự chỉ đạo của Huyện ủy, Ủy ban nhân dân và các ban nghành của huyện cùng với sự cố gắng, thay đổi tư duy, với những cách làm mới của cán bộ, nhân dân trong xã, Sơn Điện ngày càng khởi sắc, từng bước xóa đói, giảm nghèo, đời sống nhân dân được nâng lên. Trao đổi với chúng tôi, ông Lục Hải Vân - Phó bí thư, Chủ tịch UBND xã cho rằng: Để xã phát triển, ngoài việc phát huy những thế mạnh của địa phương như trồng trọt và chăn nuôi mang tính hàng hóa, xây dựng các mô hình trang trại, gia trại, phát triển kinh tế rừng còn phải tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư từ các công ty, cơ sở chế biến lâm sản nhằm tận dụng và phát huy tối đa thế mạnh nguồn nguyên liệu từ rừng, đặc biệt cây luồng, cây nứa, cây vầu là thế mạnh của địa phương. Tuy nhiên để cho xã ngày càng phát triển thì cần phải có những mô hình phát triển kinh tế mang tính bền vững.

 Các mô hình kinh tế được áp dụng mang lại hiệu quả cao

Du lịch sinh thái - cộng đồng là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích, phát triển kinh tế bền vững cho địa phương, không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái mà còn giúp bảo tồn, phát huy những nét đẹp văn hóa độc đáo của người bản địa. Hiện nay loại hình du lịch này được phát triển khá thành công ở các vùng núi, nơi có các đồng bào dân tộc thiểu số như Hòa Bình, Lào Cai, Hà Giang, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa... Tại Thanh Hóa, các huyện vùng cao như Cẩm Thủy với khu du lịch suối cá thần Cẩm Lương, Bá Thước với khu du lịch Pù Luông, thác Mơ, thác Muốn, Quan Hóa với khu du lịch Bản Lác, Hang Co Phường, Mường Lát có nhiều tiềm năng, Ngọc Lặc có hệ thống hang động kỳ vỹ với nhiều di tích lịch sử được xếp hạng, Lang Chánh với thác Ma Hao, chùa Mèo, Bản Năng Cát…

Tại huyện Quan Sơn, xã Sơn Điện, tua du lịch Quan Sơn – Viêng Xay ngày càng phát triển nhờ sự giúp đỡ của tỉnh, Sở văn hóa thể thao du lịch. UBND huyện cùng với UBND xã đã chỉ đạo quyết liệt xây dựng các hạng mục theo yêu cầu về du lịch cộng đồng tại Bản Ngàm, nhân dân chủ động tìm tòi, sáng tạo, học hỏi áp dụng các mô hình, cách làm mới về du lịch cộng đồng. Hiện nay nhân dân đã hoàn thành xây dựng nhà văn hóa Bản Ngàm, các hạng mục như bến xe, khu vực vệ sinh công cộng, khu bán hàng lưu niệm, khu vui chơi giải trí, khu dịch vụ ăn nghỉ… sẵn sàng đón chào du khách.

 Du lịch cộng đồng đang được địa phương chú trọng phát triển

Đến với tua Quan Sơn - Viêng Xay, đến với Bản Ngàm, xã Sơn Điện, du khách chắc chắn được đón chào với cái tình, sự mến khách của người bản địa, được hưởng cái hoang sơ, hùng vĩ, trong lành của núi rừng Tây Tiến, được ngắm vẻ đẹp thuần khiết của những cô gái Thái, gái Mường bản địa nơi đây. Khác với những món ẩm thực xa hoa, đắt đỏ chốn thị thành, du khách lại trở về với mâm cơm dân dã, với đĩa xôi của người Thái, người Mường tỏa hương thơm phức, hòa quện với món lợn mán, gà rừng, cá sông, cùng với măng tre, măng nứa, măng vầu… được chế biến theo cách của người bản địa kết hợp với hương vị của muối rang cùng mắc khén. Ngồi giữa ngôi nhà sàn lộng gió thưởng thức với men say của hũ rượu cần cùng với âm hưởng của tiếng cồng chiêng, điệu múa sạp, múa xòe giữa đại ngàn Sơn Điện thì chắc chắn du khách sẽ có một trải nghiệm thú vị ở chốn vùng biên này.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Văn Đạt, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn cho biết: “Xã Sơn Điện là một xã nghèo giáp biên giới với nước bạn Lào, trong những năm gần đây, huyện tập trung chỉ đạo địa phương chú trọng phát triển kinh tế vào nguồn lực chủ yếu là rừng và các mô hình kinh tế kết hợp. Bên cạnh đó, chú trọng phát triển bản sắc địa phương là du lịch cộng đồng nhằm thu hút khách du lịch đến quảng bá bản sắc của địa phương, nhằm nâng cao thu nhập cho bà con nơi đây”.

 Ông Vũ Văn Đạt, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn luôn quan tâm tới bà con nhân dân

Tuy nhiên để Sơn Điện phát triển, để Bản Ngàm trở thành trung tâm du lịch cộng đồng, thu hút du khách, là hướng đi chiến lược để xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giầu bền vững, ngoài việc cố gắng của địa phương thì cần có sự quan tâm giúp đỡ, đầu tư một cách đồng bộ của cấp trên.

                                  Hồ Điệp – Nguyễn khang