Bộ Công Thương thông tin việc Big C tạm dừng nhập hàng dệt may Việt

(SHTT) - Đại diện Bộ Công Thương cho biết, đại diện Big C cam kết ngay trong hôm nay mở lại đơn hàng 50/200 nhà cung cấp Việt Nam. Trong 2 tuần tới, Big C sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với nhà cung cấp Việt Nam.

 Theo thông tin trên tờ Dân Trí, trả lời báo chí tại cuộc họp báo chiều 4/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết ngay trong sáng nay, vị này cùng lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước đã có cuộc làm việc Tổng giám đốc Central Group Việt Nam và đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam.

“Sau nhận được thông tin báo chí nêu, Bộ đã mời đại diện Tập đoàn Central Group Việt Nam (đơn vị sở hữu Big C trong th"i hạn 10 năm) để làm rõ vụ việc này”, ông Hải cho biết.

Bộ Công Thương thông tin việc Big C tạm dừng nhập hàng dệt may Việt 

Theo ông Hải, tại cuộc họp, đại diện Central Group khẳng định động thái này nhằm phục vụ cho chiến lược mới của họ trong thời gian tới.

“Họ đang xác lập lại hệ thống các ngành hành từng siêu thị. Do vậy nên phải tạm dừng mua hàng một số doanh nghiệp Việt Nam, nhưng việc này chỉ diễn ra trong tầm 15 ngày”, ông Hải nói.

Cũng theo báo cáo của Tập đoàn này tại cuộc làm việc, họ đã gửi thư cho từng nhà cung ứng và khẳng định việc dừng mua hàng này chỉ “tạm thời”. Hiện họ có 4000 nhà cung cấp Việt Nam, trong đó có 200 doanh nghiệp chuyên hàng may mặc.

“Đại diện Big C cam kết ngay trong hôm nay mở lại đơn hàng 50/200 nhà cung cấp Việt Nam. Trong 2 tuần tới, Big C sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với nhà cung cấp Việt Nam. Sẽ có khoảng 100 nhà cung cấp nữa được mở lại đơn hàng. Còn lại khoảng 50 doanh nghiệp sẽ được đàm phán tiếp và thực hiện một cách kỹ lưỡng hơn”, ông Hải nói.

Big C nói gì?

Tối ngày 3/7, Big C Việt Nam đã phản hồi thông tin sau cuộc tập hợp “bất thường” của nhiều doanh nghiệp và người lao động tại trụ sở của Central Group Việt Nam.

Big C cho biết doanh nghiệp đang phát triển các thương hiệu mới trong chuỗi bán lẻ của mình, trong đó có ngành hàng may mặc. Theo đó việc tìm kiếm các nguồn cung ứng là nhà cung cấp Việt Nam luôn được Big C ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch. Chuỗi siêu thị này cho hay đang xem xét lại danh mục hàng hóa và tính khả thi từ nhà cung cấp nhằm đem đến các sản phẩm Việt Nam chất lượng cao nhất để phục vụ khách hàng.

Big C cũng thông tin, doanh nghiệp đang trong quá trình xem xét cùng với hơn 200 nhà cung cấp hàng may mặc để phát triển các sản phẩm thỏa điều kiện không chỉ cho thị trường trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng.

"Việc tạm dừng các đơn đặt hàng chỉ là tạm thời và Big C Việt Nam khẳng định không dừng hoạt động kinh doanh của ngành hàng may mặc tại Việt Nam. Big C cam kết sẽ tiếp tục phát triển cùng các nhà cung cấp địa phương nói chung và ngành hàng dệt may nói riêng", thông cáo nêu rõ.

Trước đó, vào ngày 2/7, Central Group Việt Nam gửi văn bản đến các đối tác, thông báo rằng siêu thị Big C sẽ tạm dừng thu mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp Việt Nam. "Kể từ tháng 7 cho đến khi có thông báo mới, chúng tôi sẽ tạm thời ngừng đặt hàng của đối tác theo Hợp đồng Hợp tác Thương mại ký kết giữa đối tác và Central Group Việt Nam", thông báo của Central Group nêu.

Đến chiều 3/7, nhiều doanh nghiệp và người lao động ngành hàng may mặc đã tụ tập tại văn phòng của Central Group, phản ứng với những động thái mà họ cho không phù hợp. Theo đó, việc ngưng nhập hàng sẽ ảnh hưởng nhiều đến chuyện kinh doanh mà không báo trước khiến nhiều doanh nghiệp bị động về mặt sản xuất và hàng hóa.

Cũng theo thông tin ông Hải chia sẻ từ cuộc họp, đại diện Central Group cho biết có tình trạng “một số doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được quy định va cam kết theo hợp đồng đã ký”.

Về quan điểm của Bộ Công Thương, ông Hải cho biết: Việc giải quyết giữa Big C đối với 200 doanh nghiệp Việt Nam là chuyện giữa doanh nghiệp với nhau và trên cơ sở hợp đồng đã ký cũng như sự tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam.

“Chúng tôi bảo vệ, tôn trọng lợi ích nhà đầu tư nước ngoài nhưng cũng kiên quyết bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp Việt Nam cũng như người tiêu dùng”, người phát ngôn Bộ Công Thương khẳng định.

Hoài Anh