Hơn 3.000 doanh nghiệp sẽ tham gia ngày mua sắm trực tuyến 2016

 Ngày mua sắm trực tuyến (Online Friday) năm 2016 sẽ diễn ra vào 2-12, thu hút hơn 3.000 doanh nghiệp với 50.000 sản phẩm khuyến mãi được Ban tổ chức bảo đảm.

Đây là thông tin được bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương) đưa ra tại buổi họp báo ngày 18-8, tại Hà Nội.

Bà Việt Anh cho biết, điểm mới của ngày mua sắm trực tuyến năm nay là Ban tổ chức sẽ không duyệt từng sản phẩm mà yêu cầu doanh nghiệp ký cam kết cung cấp sản phẩm khuyến mãi đúng. Nhằm giảm khuyến mại ảo, doanh nghiệp buộc phải công khai giá gốc, giá niêm yết sản phẩm trước ngày mua sắm diễn ra và không được phép điều chỉnh giá này. Doanh nghiệp nào vi phạm sẽ bị tước quyền tham gia Online Friday và phải thực hiện bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng đồng thời bị phạt hành chính 300 triệu đồng.

Ngày mua sắm trực tuyến năm nay sẽ có sự tham gia sâu hơn của các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu hàng chính hãng trong các lĩnh vực điện tử gia dụng, thời trang và hàng Việt Nam chất lượng cao... để người tiêu dùng có được mức giá tốt nhất, ưu đãi nhất.

Ngày mua sắm trực tuyến được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2014, với tổng giá trị hàng hóa giao dịch đạt 154 tỷ đồng cho trên 160.000 đơn hàng. Năm 2015, chương trình thu hút 2.500 doanh nghiệp, với khoảng 15.000 lượt khuyến mãi đăng ký và tổng doanh số giao dịch trong ngày lên tới khoảng 500 tỷ đồng, lớn gấp ba lần năm 2014.

Mục tiêu của ngày mua sắm trực tuyến năm nay sẽ có khoảng trên 3.000 doanh nghiệp góp mặt với 200.000 mặt hàng, dịch vụ khuyến mại, dự kiến đạt doanh thu 1.000 tỷ đồng.

Theo kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020, vào năm 2020, doanh số giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng (B2C) sẽ tăng 20% một năm, đạt 10 tỷ USD, chiếm 5% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Riêng doanh số giao dịch thương mại điện tử doanh nghiệp - doanh nghiệp (B2B) tương đương 30% kim ngạch xuất khẩu.