Trung Quốc thành công bước đầu trong việc điều chế vắc-xin chống dịch tả lợn Châu Phi

(SHTT) - Viện nghiên cứu Thú y Cáp Nhĩ Tân, trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc mới đây tuyên bố rằng họ đã đạt được những thành công đầu tiên trong việc điều chế vắc-xin ngừa vi-rút ASF - nguyên nhân chính gây ra đại dịch tả lợn Châu Phi trong thời gian gần đây.

Ngày 27/5 vừa qua, Viện nghiên cứu Thú y Cáp Nhĩ Tân, trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc đã tuyên bố rằng họ đã đạt được 5 bước trong việc tìm ra con đường sản xuất vắc-xin phòng ngừa vi-rút ASF (African swine fever), và đây chưa phải là vắc-xin chính thức.

Các  nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu Thú y Cáp Nhĩ Tân, trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc đã có những bước thành công đầu tiên trong quá trình tìm ra vắc-xin phòng ngừa bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Năm bước cụ thể trong thông báo của các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu Thú y Cáp Nhĩ Tân bao gồm:

Bước 1: Phân ly thành công vi-rút ASF, tìm ra mô hình sinh sôi và cơ chế, năng lực lây nhiễm.

Bước 2: Chế tạo thành công vắc-xin thử nghiệm. Trước mắt, họ đã tạo ra 2 chủng vắc-xin cho thấy hiệu quả về an toàn sinh học và khả năng tạo ra hệ miễn dịch cho lợn.

Bước3:  Thử nghiệm lâm sàng cho 2 chủng vắc-xin trên và thu được kết quả tích cực. Các mẫu vắc-xin này không gây ảnh hưởng tới các tổ chức tế bào ngoài, cũng như không gây ra hiện tượng đào thải trong cơ thể lợn.

Bước 4: Đã xác định được lượng vắc xin cần thiết tạo ra hệ miễn dịch với ASF.

Bước 5: Trung Quốc đã có những thành công bước đầu về việc thử nghiệm lâm sàng với vắc-xin mới.

Năm bước tiến trên chính là những nền tảng cơ bản để tạo ra một loại thuốc hay vắc-xin mới trong y học. Những thành công bước đầu này sẽ giúp các nhà khoa học hy vọng vào một tương lai gần có thể ngăn chặn sự bùng nổ của đại dịch tả lợn Châu Phi đang có xu hướng phát triển phức tạp trong thời gian gần đây.

Ngoài ra, trong buổi tuyên bố này, Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc cũng thông báo rằng họ đã xác định được toàn bộ các nhân tố cơ bản của vi-rút ASF, tìm ra nhiều cơ chế ức chế tự nhiên với vi-rút, hoàn thành sơ bộ việc nghiên cứu cơ chế ức chế miễn dịch của vi-rút, cũng như xác định các loại bọ truyền nhiễm từ lợn bệnh sang lợn lành.

Hình ảnh qua kính hiển vi điện tử của tế bào lợn bị nhiễm virus ASF. 

Trung Quốc khẳng định sẽ đẩy nhanh bước tiếp theo để sản xuất vắc-xin diện rộng, song chưa thể xác định thời gian cụ thể.

Vi-rút gây bệnh tả lợn châu Phi là vô hại với con người nhưng vô cùng nguy hiểm với lợn và đến nay vẫn chưa có vắc-xin hay cách chữa trị nào để chống lại loại dịch bệnh này.

Bắt nguồn từ châu Phi, dịch bệnh được ghi nhận tại Đông Âu và Nga trước khi xuất hiện tại Trung Quốc lần đầu hồi tháng 8/2018. Dịch bệnh sau đó đã lan sang một số nước châu Á khác, bao gồm Việt Nam và Campuchia, Thái Lan và thậm chí có thể lan sang Úc.

Hiện nay, chúng ta chỉ có thể thụ động đối phó với dịch tả lợn châu Phi mà không thể chủ động phòng tránh

Tại thời điểm này, đã có tới 45 tỉnh thành tại Việt Nam xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi và nguy cơ lây lan sang các khu vực khác là hoàn toàn có thể. Trong khi đó, do chưa có vắc-xin phòng ngừa và các biện pháp xử lý hiệu quả, các ổ lợn bệnh chỉ được xử lý theo phương pháp chôn lấp thông thường. Chúng ta chỉ có thể thụ động đối phó với dịch tả lợn châu Phi mà không thể chủ động phòng tránh. 

Nếu các nhà khoa học có thể nhanh chóng tìm ra loại vắc-xin đặc trị cho loại bệnh dịch này sẽ giúp người dân giảm thiểu các nguy cơ về sức khỏe và kinh tế trên diện rộng.

An An