Túi nhựa sinh học tự hủy không thân thiện như chúng ta vẫn nghĩ?

(SHTT) - Các sản phẩm túy nhựa sinh học thân thiện với môi trường đang dần trở nên phổ biến khi con người dần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường nhưng trên thực tế các nhà nghiên cứu đã có thể chỉ ra các sản phẩm này không tốt như những gì chúng ta biết.

Theo bài viết trên National Geographic, nhà nghiên cứu về động vật biển Richard Thompson vừa đưa ra kết quả nghiên cứu khiến chúng ta phải suy nghĩ lại về những túi nhựa sinh học tự huỷ. Mặc dù được quảng cáo là sẽ tự phân huỷ để bảo vệ môi trường, nhưng thực tế cho thấy ngay cả khi chôn dưới đất đến 3 năm thì những túi nhựa này vẫn gần như còn nguyên vẹn và tái sử dụng được.

Cụ thể, nghiên cứu được bắt đầu tiến hành từ năm 2015 khi vị giáo sư này và đội ngũ của ông tiến hành chôn ở vườn trường Đại học Plymouth 5 loại túi, trong đó bao gồm một túi sinh học, một túi bình thường với hàm lượng polyethylene cao và 3 loại túi nhựa sinh học tự phân huỷ. 2 trong số nhựa túi sinh học là loại oxo-biodegradable với chất tăng tốc độ phân huỷ của các phân tử polymer, và một túi được giới thiệu là phân huỷ theo phương pháp khác.

 

Các sản phẩm trên được thử nghiệm trong 3 môi trường là chôn dưới đất (vườn của trường), ngâm trong nước (cảng Plymouth) và phơi ngoài trời. Các túi cũng được chia làm 2 dạng là nguyên túi hoặc cắt thành mảnh.

Kết quả ở môi trường dưới nước cho thấy tất cả các túi đều đóng một lớp sinh vật thuỷ sinh trong vòng 1 tháng đầu tiên, với túi sinh học tự huỷ biến mất trong 3 tháng. Thử nghiệm phơi ngoài môi trường cho thấy các túi trở nên quá cứng hoặc biến thành hạt vi nhựa sau 9 tháng và không thể tiếp tục thử nghiệm. Cuối cùng là môi trường chôn dưới lòng đất, với túi sinh học vẫn giữa nguyên hình dáng trong 27 tháng nhưng không thể tái sử dụng. Túi nhựa sinh học thì vẫn dùng được.

Trước kết quả thực hiện nghiên cứu đó, nhóm các nhà khoa học đặt ra các câu hỏi về bản chất của túi nhựa sinh học và các nguy cơ tiềm ẩn khi người tiêu dùng không có đủ hiểu biết và nhận thức chính xác về bản chất thật sự của các sản phẩm nhựa sinh học khi đưa chúng ra môi trường tự nhiên hoặc xử lý chúng sau khi không còn sử dụng tới nữa.

Giáo sư Richard cho biết, cụm từ "tự phân huỷ sinh học" có thể đánh lừa xu hướng tiêu dùng của mọi người, nghiêm trọng hơn là nếu như người dùng vứt túi nhựa sinh vào vào khu vực của nhựa tái chế thì có khả năng sẽ phản tác dụng, vì nhựa sinh học có những chất tổng hợp sẽ làm hỏng nhựa truyền thống và khiến chúng không thể tái chế.

 

Về phía các công ty sản xuất túi nhựa sinh học họ phản bác các nghi vấn của nhóm nghiên cứu và nói rằng các túi nhựa sinh học tự phân huỷ được thiết kế với mục đích phân huỷ ở một số môi trường nhất định như ngoài trời hay trên mặt biển. Việc chôn dưới đất không phản ánh được mục đích thực sự của chúng. Ngoài ra thì tốc độ phân huỷ cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cũng như so với túi nhựa truyền thống thì tốc độ này quả thực là nhanh hơn. 

Hiện tại, các tổ chức lớn trên thế giới như Liên Hiệp Quốc và Liên Châu Âu đều đã lên tiếng về các sản phẩm từ nhựa sinh học tự phân huỷ. Trong báo cáo năm 2016, Liên Hiệp Quốc đã khẳng định rằng nhựa sinh học tự phân huỷ không phải là giải pháp cho việc ô nhiễm rác thải nhựa đại dương. Năm ngoái Liên Minh Châu Âu cũng đưa ra cân nhắc cấm các loại nhựa sinh học tự phân huỷ chứa thành phần làm tăng tốc phân huỷ các phân tử polymer.

An An