Thị trường tỏi Lý Sơn "vàng thau lẫn lộn": Cần chú trọng chỉ dẫn địa lý

(SHTT) - Trước thực trạng tỏi Lý Sơn đang bị giả nhãn hiệu, tỏi từ các nơi khác được vận chuyển về Lý Sơn để trục lợi bất chính, địa phương nơi đây cần nhanh chóng hoàn thành chỉ dẫn địa lý để bảo vệ thương hiệu này một cách vững chắc.

 Lý Sơn là huyện đảo, cách đất liền 15 hải lý về hướng Đông Bắc của tỉnh Quảng Ngãi, dân số 22.000 người, trong đó có 3.884 hộ sản xuất nông nghiệp với 326,5ha đất sản xuất hành, tỏi. Lý Sơn được mệnh danh là “Vương quốc tỏi” với chất lượng, đặc trưng riêng biệt của tỏi Lý Sơn được ưa chuộng khắp cả nước.

Tỏi Lý Sơn được xem là thương hiệu nông sản có giá trị không chỉ của tỉnh này mà còn là niềm tự hào của cả nước. Chính vì tỏi Lý Sơn chính hiệu không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường nên thương hiệu đã bị người bán lợi dụng để bán được tỏi. Tại TP. Quảng Ngãi, người mua tỏi Lý Sơn luôn rơi vào thế “hoa mắt” khi không phân biệt được đâu là tỏi Lý Sơn thật, thậm chí ngay cả người địa phương cũng không thể nào phân biệt được đâu là tỏi Lý Sơn thật - giả.

 Thị trường tỏi Lý Sơn "vàng thau lẫn lộn". Ảnh: SGGP

Trong thời gian gần đây, tình trạng một số thương lái vận chuyển tỏi nơi khác đến đảo Lý Sơn giả dạng thương hiệu tỏi Lý Sơn khiến giá tỏi ở đây xuống thấp, thị trường giảm mạnh. Nông dân trồng tỏi đang rơi vào cảnh thua lỗ nặng và lần đầu tiên chứng kiến cảnh giải cứu ngay tại nơi được mệnh danh là "vương quốc tỏi".

Nguyên nhân chính khiến sản phẩm tỏi từ các nơi khác đổ dồn về địa phương là do chênh lệch giá khi ăn theo thương hiệu tỏi Lý Sơn. Giá các loại tỏi bình thường trên đảo khoảng 120.000 đồng/kg, trong khi tỏi ở những nơi khác như tại Khánh Hòa chỉ khoảng 40.000 đồng/kg.Chênh lệch lên đến hàng chục nghìn đồng/kg khiến nhiều người vì lợi nhuận đã tham gia. Chưa kể, đến các loại tỏi quý hiếm hơn như tỏi một (hay còn gọi là tỏi “cô đơn”) chênh lệch còn lên đến hàng 100.000 đồng/kg.

Để ngăn chặn tình trạng này, UBND huyện Lý Sơn đã triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn. Tuy nhiên, đây chỉ là việc làm tạm thời chứ chưa giải quyết được triệt để của vấn đề. Thậm chí, nếu xét về tính pháp lý, ngăn chặn giao thương hàng hóa là không đúng luật.

Qua khảo sát, tỏi Lý Sơn vẫn chưa in được nhãn hiệu, logo, tem chống giả chung dù câu chuyện này đã được chính quyền địa phương, Hội sản xuất kinh doanh và chế biến hành tỏi Lý Sơn đặt ra từ lâu. Hiện chỉ một vài cơ sở sản xuất kinh doanh trên đảo tự in bao bì, nhãn mác cho tỏi Lý Sơn nhưng còn rất nhỏ lẻ.

Về lâu dài, để đảm bảo thương giá trị thương phẩm, UBND huyện đang làm chỉ dẫn địa lý cho tỏi Lý Sơn. Hiện có một đơn vị đang làm đề tài nghiên cứu khoa học và phấn đấu cho đến cuối năm 2019 sẽ công bố chỉ dẫn địa lý nguồn gốc rõ ràng để người tiêu dùng an tâm.

Bà Võ Thị Thúy Nga - Phó Trưởng phòng Quản lý công nghệ (Sở KHCN tỉnh Quảng Ngãi) - cho biết, tỏi Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) đã được đăng ký nhãn hiệu tập thể (độc quyền chỉ có ở Lý Sơn) do Cục Sở hữu trí tuệ cấp năm 2007 và được triển khai thực hiện vào năm 2009.

Sau khi đăng ký nhãn hiệu tập thể, đến nay tỏi Lý Sơn đã có tên tuổi và chỗ đứng trên thị trường, tăng cường lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy việc phát triển kinh tế bền vững, tăng thu nhập cho người dân…

Việc xây dựng, đăng ký bảo hộ, phát triển một thương hiệu nông sản cũng phải tính đến lợi ích kinh tế của nông dân, của địa phương, của quốc gia. Tỏi Lý Sơn có nhiều điểm đặc trưng so với các đặc sản cùng loại đó trên cả nước. Theo bà Nga, đặc trưng này phải cân, đo, đong, đếm, phân tích khoa học ra được chứ không phải ngon và lạ mà được bảo hộ. Ngoài ra các đặc trưng của tỏi Lý Sơn này còn phải phụ thuộc vào địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng mà không có nơi nào đáp ứng được.

Minh Thư