Hiểm họa ẩn sau phương pháp làm đẹp tiêm tinh chất tan mỡ

(SHTT) - Thời gian vừa qua, trên Facebook tràn lan những lời quảng cáo hấp dẫn giới thiệu về phương pháp làm đẹp tiêm tinh chất tan mỡ. Tuy nhiên các chuyên gia y tế khuyến cáo, nên thận trọng bởi cách làm đẹp này tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Thân hình thừa cân, béo phì khiến nhiều người mất tự tin trong cuộc sống. Họ tìm mọi cách để giảm cân, bất chấp hậu quả. Tiêm tan mỡ hiện là phương pháp giảm cân được quảng cáo rầm rộ trên mạng, hứa hẹn cho kết quả nhanh, ít đau đớn, thu hút nhiều khách hàng.

"Chỉ mất 120 phút truyền tinh chất siêu hủy mỡ, chị em có thể đào thải tất cả các thể trạng mỡ từ mỡ dạng lỏng mới hình thành đến mỡ lâu năm đã đóng cơ rắn chắc, thậm chí cả mỡ nội tạng cúng cổ cứng đầu.

Từ siêu nặng, cơ thể chị em sẽ giảm 10 – 15kg, số đo các vùng bụng, hông, mông, đùi, bắp chân, bắp tay... được thu nhỏ tắp lự 8 – 20cm; quần áo nhanh chóng thu nhỏ 1-2 size. Sau thời gian trị liệu, các chất độc hại và mỡ thừa tiếp tục được tống ra ngoài, cân nặng và số đo các vùng duy trì ở mức lý tưởng….”. 

Đây chỉ là một trong vô số nội dung mà nhiều trung tâm, spa hiện đang quảng cáo có thể thực hiện giảm béo một lần và tiêu mỡ hoàn toàn cho khách hàng.

 Hiểm họa ẩn sau phương pháp làm đẹp tiêm tinh chất tan mỡ

Cách làm của các viện thẩm mỹ, spa, trung tâm giảm béo… này là cấy tinh chất vào bụng hoặc các vùng tụ mỡ, tiêm vào bắp, truyền thẳng vào tĩnh mạch.

Trước những lời quảng cáo "có cánh" không ít phụ nữ chi vài chục triệu đồng để sử dụng cách làm đẹp này. Tuy nhiên, loại thuốc này là gì và ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe thì không phải ai cũng biết.

Chia sẻ trên Zing.vn, bác sĩ Nguyễn Vũ Phương Ngọc (tu nghiệp tại Thái Lan, nguyên giảng viên khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ - Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch,TP.HCM), tư vấn về loại thuốc được sử dụng để tiêm tan mỡ:

Thuốc gây tan mỡ thực chất là Phosphatidylcholine (PCC), được hòa tan nhờ Deoxycholate natri (DC), một loại muối mật có tác dụng hòa tan và tẩy rửa.

Phosphatidylcholine ban đầu được lưu hành trên thị trường ở một số nước châu Âu dưới dạng biệt dược tên Lipostabil. Thuốc này được dùng để điều trị thuyên tắc phổi do mỡ trong y khoa nhưng đã bị lạm dụng khi thẩm mỹ. Nếu tiêm chất này lên các lớp mỡ, màng tế bào mỡ bị phá hủy dần dần, khối mỡ dư thừa hóa lỏng thành dạng nhũ tương.

 

Tiêm thuốc này vào mô mỡ rất nguy hiểm, chúng không chỉ phá hủy màng tế bào mỡ mà cả màng tế bào của các tổ chức mạch máu, thần kinh,… trong vùng tiêm thuốc. Ngoài ra, tế bào mỡ sau khi bị phá vỡ sẽ giải phóng ra triglyceride (dầu) ở dạng nhũ tương. Lượng nhũ tương này nếu không được hút ra khỏi cơ thể sẽ gây ứ đọng tại chỗ.

Cũng chia sẻ về vấn đề này, theo thông tin được đăng tải trên Phunuonline, Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp - Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM - cho biết, để điều trị giảm béo hiệu quả và bền vững, y học hiện nay chỉ ghi nhận những phương pháp sau:

1- Xây dựng và thực hành thực đơn cắt giảm năng lượng, giảm tỷ lệ chất béo, tinh bột và đường.

2- Thực hành tập luyện và vận động thể lực trên 60 phút/ngày và đủ các ngày trong tuần.

3- Thực hiện chế độ ăn điều độ, không bỏ bữa, không ăn khuya, không ăn vặt.

4- Nên ngủ không dưới 6 giờ/đêm.

5- Chỉ sử dụng thuốc điều trị giảm béo theo chỉ định của bác sĩ.

6- Việc can thiệp phẫu thuật cũng phải được thực hiện theo chỉ định của bác sĩ đối với các trường hợp béo phì nặng, có biến chứng hoặc thất bại với các phương pháp điều trị bằng chế độ ăn và vận động đã nêu trên.

Các phương pháp điều trị béo phì bằng phẫu thuật cũng chỉ bao gồm đặt bóng dạ dày, thắt bớt hoặc cắt bớt dạ dày mà thôi.

Ngoài các phương pháp trên, các giải pháp như massage, tắm hơi, xông hơi, quấn nóng… chưa có cơ sở khoa học cho thấy hiệu quả bền vững trong giảm cân, giảm béo.

Minh Hải