Vụ bê bối tương ớt Chinsu khiến cổ phiếu Masan sụt giảm

(SHTT) - Thông tin tương ớt Chinsu của Masan bị thu hồi tại Nhật Bản vì chứa chất cấm đang khiến người tiêu dùng trong nước hoang mang. Điều này cũng khiến cổ phiếu của Masan quay đầu giảm nhẹ.

Dư luận hiện đang xôn xao trước thông tin Nhật Bản thu hồi 18.000 chai tương ớt Chinsu do có chứa axit benzoic, axit sorbic... Theo quy định của Nhật, không được sử dụng axit benzoic trong tương ớt của nước này.

Thông tin này khiến người dùng hoang mang nhưng điều khiến cộng động mạng chú ý hơn cả chính là phần trả lời của Masan, đơn vị sở hữu tương ớt Chinsu. Masan nhận định nhiều khả năng tương ớt Chinsu bị thu hồi tại Nhật là "sản phẩm dành riêng cho thị trường Việt Nam", hoặc sản phẩm không rõ xuất xứ.

 Vụ bê bối tương ớt Chinsu khiến cổ phiếu Masan sụt giảm

GS-TSKH Vũ Minh Giang chuyên gia cao cấp, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội - đã trả lời trên báo Tuổi Trẻ, từ đầu những năm 1900, người ta đã chứng minh được Acid benzoic và muối benzoate khi gặp vitamin C có trong thực phẩm sẽ tạo thành phản ứng sinh ra benzene. Mà benzene đã được kết luận là chất gây ung thư từ những năm 1980 và được khuyến cáo tránh hấp thu benzene qua đường thở (không khí ô nhiễm), hoặc đường ăn uống (thực phẩm).

Trên thị trường Mỹ vào năm 2008, các nhà khoa học của FDA (Cục Quản lý dược và thực phẩm Hoa Kỳ) đã phát hiện benzene trong một số mẫu nước giải khát sử dụng muối benzoate như chất bảo quản.

Đa số các loại rau củ quả, trái cây đều chứa vitamin C, nên việc sử dụng muối benzoate trong quá trình bảo quản các sản phẩm từ rau củ quả, trái cây, nước chấm có ớt hay cà đều làm tăng khả năng sinh ra benzene. Hơn nữa, bản thân nhóm benzoic - benzoate cũng gây độc ở người nếu chúng ta tiêu thụ nhiều hơn 5mg/kg thể trọng mỗi ngày, theo WHO.

Với lời giải thích của Masan có thể hiểu sản phẩm chứa chất phụ gia có thể gây nguy hại cho sức khỏe trong tương ớt Chinsu chỉ để dành riêng cho người Việt Nam? Còn sản phẩm xuất khẩu không có chất này để an toàn cho người dân các nước bạn? Những sản phẩm thực phẩm người Việt vẫn ăn uống hàng ngày đang là những sản phẩm thấp cấp hơn so với cùng sản phẩm được xuất khẩu?

Trước diễn biến này, giới đầu tư chứng khoán cho rằng ngày 8/4 sẽ là phiên giao dịch đầy khó khăn cho cổ phiếu MSN của Masan. Dự báo này đã đúng trong phiên sáng.

Có thời điểm MSN xuống “đáy” 85.800 đồng/CP sau khi giảm 2.500 đồng/CP. Đà giảm này của MSN đã khiến vốn hóa thị trường Masan mất 2.908 tỷ đồng.

Masan chỉ được cứu nhờ cổ phiếu dầu khí. Chỉ số VN-Index nóng lên theo giờ. Chỉ tăng nhẹ đầu phiên nhưng tới cuối phiên VN-Index tăng tốc. Dầu khí là nhóm ngành đang “hâm nóng” thị trường chứng khoán.

Thái Hà