Nội dung vi phạm mang lại lợi nhuận lớn, Youtube "cố ý" làm ngơ chính sách tiêu chuẩn cộng đồng?

(SHTT) - Những đoạn video có chứa nội dung độc hại hiện có rất nhiều trên nền tảng Youtube mặc dù hãng này luôn nói rằng đang nỗ lực hết mình để "thanh lọc" nội dung. Vậy liệu nguyên nhân có phải do lợi nhuận?

Theo một bài viết mới đây trên Bloomberg, hơn 20 nhân viên đã và đang làm việc cho YouTube cho biết, họ từng đề xuất việc xóa bỏ tận gốc những đoạn video clip có nội dung phản cảm, độc hại, tiêu cực hoặc những clip có nội dung thuyết âm mưu để tạo ra môi trường chia sẻ video trên YouTube trong sạch lành mạnh hơn. Tuy nhiên những giám đốc quản lý YouTube lại lờ những đề xuất này đi, thay vào đó là tăng lượt hiển thị ở mục video liên quan để từ đó tăng lượt view và tương tác từ người xem.

 Nhiều nhân viên lâu năm đã rời khỏi Youtube do cảm thấy bất lực vì không thể làm gì với cách quản lyscacs nội dung vi phạm.

Những đoạn clip như vậy hiện giờ có rất nhiều trên YouTube, từ chủ đề bạo lực, những clip hở hang phản cảm nhưng hướng tới đối tượng trẻ em, anti-vaccine, cho đến những thuyết âm mưu trái đất phẳng, phân biệt chủng tộc, ý kiến cực hữu, v.v…

Bloomberg cho biết, vào năm 2016, một ý tưởng được đưa ra để kiểm soát những đoạn video clip kiểu này, đó là vẫn để chúng tồn tại trên YouTube nhưng không hiển thị trên mục Recommend khi người xem truy cập vào trang web. Nhưng điều đó không bao giờ thành hiện thực. Những đoạn video cho dù gây tranh cãi đến đâu vẫn xuất hiện ở những vị trí đảm bảo nhiều người nhìn thấy và click vào nhất, tất cả để phục vụ mục tiêu YouTube đạt được 1 tỷ giờ xem trên thế giới mỗi ngày.

Mặc dù đã cho ra những chính sách mới để quản lý nội dung xuất hiện nhưng các video có nội dung độc hại hiện vẫn tràn lan trên Youtube.

Mãi đến tháng 01/2019, YouTube mới có một quy định mới để quản lý nội dung gây tranh cãi gần giống như những gì cựu nhân viên YouTube từng đề ra vào năm 2016. Người này chia sẻ với Bloomberg: “Tôi khá chắc chắn rằng họ đã mắc sai lầm.”

Những nhân viên của YouTube không làm việc trong nhóm quản lý nội dung cũng được khuyến khích tránh không tìm kiếm những video clip có nội dung gây tranh cãi. Lý do là những luật sư của YouTube cho rằng công ty sẽ phải chịu trách nhiệm lớn hơn nếu ngay cả “người nhà”, nghĩa là những nhân viên cũng biết đến sự tồn tại của những video có nội dung nguy hiểm như vậy nhưng phía quản lý nội dung lại làm ngơ.

Ít nhất 5 nhân viên lâu năm của YouTube đã rời khỏi công ty sau khi nhận ra những lãnh đạo không muốn giải quyết vấn nạn tồn tại trong dịch vụ chia sẻ video này.

Phương An