Trước nguy cơ mất việc, 256 giáo viên ở Sóc Sơn viết đơn kêu cứu gửi Thủ tướng

(SHTT) - Đang trong quá trình giảng dạy cho các học sinh chuẩn bị kết thúc năm học, bỗng dưng 256 giáo viên tại huyện Sóc Sơn, (Hà Nội) đồng loạt viết đơn gửi đến Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan báo để kêu cứu trước nguy cơ sắp mất việc vì một kỳ thi tuyển vào "biên chế".

Trong đơn kêu cứu các giáo viên hợp đồng đang công tác tại Trường THCS Trung Giã (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) có viết: “15 năm sau khi ra trường, chúng tôi đã có 6 năm hợp đồng trường và 9 năm hợp đồng huyện. Trong số 15 người, có người là giáo viên cốt cán đào tạo đội ngũ học sinh giỏi của huyện tham gia thi thành phố năm nào cũng đạt giải cao, thậm chí đạt 10/10 học sinh, được chọn là tấm gương “người tốt việc tốt” của Thủ đô năm 2014 như chị Nguyễn Hương Trà; nhiều anh chị em đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, đạt chiến sĩ thi đua, có học sinh đạt giải quốc gia, đặc biệt luôn hoàn thành tốt.

Được biết, trước đó vào ngày ngày 22/3, UBND huyện Sóc Sơn mời 256 giáo viên hợp đồng trong toàn huyện đến lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các thầy cô. Tại đây, 256 giáo viên bày tỏ nguyện vọng và mong muốn được xét tuyển vào viên chức giáo dục không qua thi tuyển. Trước thông tin này, các thầy cô giáo rất hoang mang, lo lắng và buồn bã. Bởi, theo kế hoạch thi tuyển viên chức giáo dục năm 2019 do UBND TP Hà Nội ban hành, không có chế độ nào ưu tiên đối với giáo viên đã hợp đồng lâu năm.

Bên cạnh đó, quy chế thi không giới hạn về hộ khẩu, mọi thí sinh trên cả nước đều có quyền dự thi. Việc này đồng nghĩa với tỉ lệ cạnh tranh rất cao, cơ hội đỗ với các thầy cô rất mong manh. Theo các thầy cô, đây là “cuộc thi có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các thế hệ ông bà, cha mẹ và con cháu”.

 Gần 300 giáo viên của Sóc Sơn đang lo lắng cho tương lai nghề nghiệp của mình (ảnh Đức Vượng)

Nghề giáo xưa nay vẫn vốn được coi là một trong những công việc cao quý, được cả xã hội biết đến. Họ đã cống hiến, vắt kiệt tuổi thanh xuân của mình cho nghề. Nhiều thế hệ học sinh mà các thầy cô đã đào tạo, luôn lấy thầy cô là tấm gương sẽ nói gì khi thầy cô sẽ bơ vơ lạc lõng, chẳng biết đi đâu về đâu và làm gì để kiếm sống. Có những thầy cô giáo từng công tác gần 30 năm với nghề, có nhiều thành tích được thành phố công nhận, vậy mà giờ đây bỗng dưng nếu họ trượt không thi đỗ thì sẽ biết bấu víu vào đâu. Phần lớn trong số 256 giáo viên trên đều có hoàn cảnh khó khăn, có thầy cô một mình nuôi con, kinh tế gia đình chỉ dựa vào mỗi cái nghề đứng trên lớp giảng dạy cho các thế hệ học trò. Nhiều năm trôi qua, đã biết bao thế hệ học trò được những thầy cô này dạy giờ đã trưởng thành. Họ có nhiều đóng góp cho nền giáo dục, vậy mà xã hội vẫn không công nhận điều đó…

Ngồi tâm sự với chúng tôi, một giáo viên buồn bã nói “Danh dự bị tổn thương, cuộc sống bị đảo lộn, gia đình con cái nheo nhóc. Ở cái tuổi đầu hai thứ tóc, chúng tôi không biết bấu víu vào đâu, không còn cơ hội để làm lại cuộc đời. Bởi vì trong số chúng tôi, có nhiều hoàn cảnh đặc biệt: chồng mất, con nhỏ còn đang trong tuổi học hành, thậm chí có nhiều thầy cô phải đấu tranh với bệnh tật… Khó khăn là vậy, chúng tôi vẫn yêu nghề, vẫn tha thiết được cống hiến”.

Nhiều lá đơn đã được gửi tới các Cơ quan chức năng, trong đó gửi đến cả Thủ tướng để kêu cứu nhưng hiện vẫn chưa được xem xét. UBND huyện cũng khẳng định đã có văn bản đề xuất gửi UBND thành phố về việc xét tuyển đặc cách đối với giáo viên dạy hợp đồng từ 5 năm trở lên. Nhưng đến ngày 14/3, văn bản số 667/TB-UBND thông báo, các giáo viên hợp đồng vẫn phải đăng ký để dự thi tuyển viên chức. Điều đó có nghĩa, nhiều giáo viên trên dưới tuổi 50, thậm chí chỉ còn 2 năm nữa là nghỉ hưu, cũng sẽ phải bước vào cuộc thi đầy khốc liệt này.

Các thầy cô lo lắng cho rằng, kỳ thi tuyển viên chức này sẽ là không công bằng với họ vì đa số họ đều được đào tạo tiếng Pháp, tiếng Nga mà bây giờ lại thi tiếng Anh nên không thể cạnh tranh với thế hệ trẻ ngày nay được đào tạo tiếng Anh bài bản từ lớp 3 cho đến đại học.

Lá đơn “cầu cứu” được ký bởi 228 giáo viên, khẩn thiết đề nghị “Xét đặc cách vào viên chức giáo dục thay vì thi tuyển như thí sinh tự do” đã được gửi tới các cơ quan, các cấp có thẩm quyền giúp đỡ. Các thầy cô khẳng định rằng, những năm tháng cống hiến, những thành tích đạt được đủ làm minh chứng sống chân thực nhất, rõ ràng nhất, khách quan nhất cho năng lực.   

Khi được chúng tôi hỏi về vấn đề nếu 256 giáo viên trên thi không đỗ thì cơ chế tiếp theo đối với họ như thế nào. Trước câu hỏi này, bà Trần Thị Toàn - Phó Trưởng phòng Nội vụ UBND huyện Sóc Sơn chỉ trả lời ngắn gọn “Đây là chuyện của tương lai, chúng tôi cũng chưa biết đến". Phải chăng, chính quyền UBND huyện Sóc Sơn đang quá thờ ơ về việc này, nếu giờ đây các giáo viên bỗng dưng bị cắt hợp đồng thì họ sẽ biết làm công việc khác khi tuổi đã lớn.

Câu hỏi được đặt ra, liệu có quá bất bất công với các thầy cô. Họ là những thế hệ giáo viên được đào tạo từ những năm 90 của thế kỷ trước, nên ở phổ thông, không được học ngoại ngữ, ở ĐH chỉ học tiếng Nga hoặc tiếng Pháp nhưng giờ yêu cầu thi ngoại ngữ tiếng Anh. Hơn nữa, theo quy định chung, nếu những giáo viên lần này thi không trúng tuyển sẽ chính thức chấm dứt hợp đồng giảng dạy vào tháng 5/2020. Vì theo luật công chức, viên chức cùng với chủ trương tinh giảm biên chế, sẽ không còn chế độ hợp đồng.

Nhóm PV