Mỹ sẽ tạo ra siêu máy tính mạnh nhất thế giới vào năm 2020

(SHTT) - Bộ Năng lượng Mỹ mới đây đã giao cho Intel cùng Cray Computing một hợp đồng sản xuất hệ thống siêu máy tính mới mang tên Aurora trị giá 500 triệu USD. Aurora sẽ mang sứ mệnh trở thành chiếc máy tính mạnh nhất thế giới để đánh bại kỷ lục hiện tại của chính quốc gia này.

Theo tin tức trên The Verge, dự kiến Aurora sẽ được hoàn thiện và lắp đặt tại phòng nghiên cứu Argonne, dưới sự điều hành của đại học Chicago. Bộ trưởng năng lượng Mỹ, Rick Perry cho biết: “Chúng tôi sẽ ứng dụng khả năng tính toán exascale và AI để tăng tốc độ nghiên cứu, thúc đẩy sự sáng tạo, và trên hết là sẽ tạo ra tầm ảnh hưởng tới bất kỳ ngành nghề nào theo những cách mà vài năm về trước không có khả năng làm được”.

Thiên Hà 2, đặt tại Trung tâm siêu máy tính quốc gia, Quảng Châu, Trung Quốc. 

Hiện tại siêu máy tính mạnh nhất thế giới là Summit OLCF-4 cũng của Mỹ, đặt tại Oakridge National Lab, Tennessee, có tốc độ xử lý là 1.8 tỷ tỷ phép tính/giây do IBM tạo ra. Trước đó danh hiệu này thuộc về Thiên Hà 2 của người Trung Quốc.

Dự kiến khi hoàn thiện, Aurora sẽ có sức mạnh tính toán và phân tích nhanh hơn Summit gấp 50 lần. Trong khi đó Trung Quốc cũng đang có kế hoạch giới thiệu hệ thống máy tính này vào năm 2020.

 

Trên thực tế, kế hoạch về việc sản xuất siêu máy tính Aurora đã từng được giới thiệu vào năm 2015 và đây là một trong những phần nhỏ thuộc dự án siêu máy tính của Mỹ .

Đến năm 2017, kế hoạch được đẩy lên với mục tiêu biến Aurora thực hiện được hơn 1 tỷ tỷ phép tính mỗi giây. Bản thân nó cũng trở thành một nền tảng hoàn hảo để không chỉ phân tích và nghiên cứu các dữ liệu, mà còn để ứng dụng cho các nghiên cứu khoa học chuyên sâu. Một trong những ứng dụng đáng chú ý nhất khi nghiên cứu với sự trợ giúp của siêu máy tính chính là việc phát minh ra những chất liệu mới làm pin, hay những vật liệu hữu ích để khai thác năng lượng gió, mặt trời và hạt nhân. Kế tiếp, việc dự báo những thay đổi do biến đổi khí hậu gây ra cũng sẽ nhanh hơn nhiều so với hiện tại.

Lâm An