Các vụ thu hồi thực phẩm trong 3 tháng cuối năm 2018 – Nguyên nhân xuất phát từ đâu?

(SHTT) - Trong quý IV năm 2018, có rất nhiều vụ thu hồi thực phẩm lớn được thực hiện với nguyên nhân chủ yếu là do nhiễm vi khuẩn độc hại và lỗi ghi nhãn thiếu thành phần không được khai báo gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng.

 

Cụ thể, Bộ nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) báo cáo trong quý IV năm 2018, sự xâm nhập của vi khuẩn là nguyên nhân số 1 của hầu hết các vụ thu hồi. Trong khi đó, các chất gây dị ứng không được khai báo trên nhãn thành phần là nguyên nhân hàng đầu của việc thu hồi thực phẩm mà Cục quản lí thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đưa ra.

Nhiễm khuẩn đường ruột có hại Salmonella

Trong bản chỉ số thu hồi quý IV năm 2018, được phát hành sáng ngày 12/1, Stericycle đã báo cáo 97,7% các vụ thu hồi thuộc thẩm quyền của Cơ quan Kiểm tra an toàn và vệ sinh thực phẩm thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (FSIS) được thực hiện vì phát hiện nhiễm vi khuẩn gây hại cho sức khỏe. Tác nhân gây bệnh đằng sau 98,6% các vụ thu hồi liên quan đến vi khuẩn của FSIS là vi khuẩn đường ruột Salmonella. Salmonella là loại vi khuẩn đường ruột, thuộc họ Enterobacteriaceae. Vi khuẩn này có thể gây hại trực tiếp tới dạ dày bệnh nhân gây đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy trong nhiều ngày.Nặng hơn, ở một số trường hợp, vi khuẩn có thể gây thương hàn khiến bệnh nhân thiệt mạng sau đó.

Các quan chức y tế công cộng đã phát hiện ổ dịch Salmonella vào tháng 11 năm 2018 có nguồn gốc phát sinh từ các sản phẩm gà tây sống, dẫn đến việc thu hồi hơn 250.000 pound gà tây nhãn hiệu Jennie-O. Bản cập nhật ổ dịch gần đây nhất được đăng tải bởi Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, vào ngày 29 tháng 1, đã báo cáo 216 người trên 38 tiểu bang đã được xác nhận với chủng vi khuẩn Salmonella. Trong số những bệnh nhân đó, 84 người được đưa vào bệnh viện. Một người chết.

Ngoài các vụ thu hồi gà tây lớn, thu hồi thịt bò cũng nằm trong số các sản phẩm bị thu hồi hàng đầu trong quý IV năm 2018 được thực hiện bởi USDA. Gần 72% các sản phẩm bị USDA thu hồi là thịt bò.

Các vụ thu hồi thịt bò lớn trong quý IV năm 2018 phải kể đến cuộc thu hồi của công ty JBS của Mỹ. Công ty đã thu hồi hơn 5000 tấn thịt bò nhiễm khuẩn Salmonella.

Cụ thể, vào đầu tháng 10, JBS Tolleson, một nhà sản xuất thịt có trụ sở tại Arizona, đã thu hồi gần 3000 tấn các sản phẩm thịt bò sống do khuẩn salmonella. Từ ngày 5 tháng 8 đến ngày 6 tháng 9, 57 trường hợp nhiễm khuẩn salmonella trên 16 tiểu bang có liên quan đến đợt bùng phát này.

Hai tháng sau, hơn 2300 tấn thịt bò đã được thêm vào danh sách, nâng tổng số lên tới 5440 tấn thịt bò sống của JBS, Kroger và Laura's Lean bị thu hồi. Tính đến ngày 15 tháng 11, đã có 246 người ở 25 tiểu bang bị nhiễm salmonella, với tổng số 56 trường hợp nhập viện nhưng không có trường hợp tử vong.

Nhìn chung, đã có 17 triệu bảng lương thực bị thu hồi dưới sự giám sát của USDA trong ba tháng cuối năm 2018.

Thành phần gây dị ứng không được khai báo trên nhãn

Đối với các thực phẩm được quản lý bởi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, các chất gây dị ứng không được khai báo trong bảng thành phần trên nhãn không chỉ chịu trách nhiệm cho tỷ lệ thu hồi cao nhất, mà còn cho số lượng lớn nhất các đơn vị cá nhân bị thu hồi, theo báo cáo của Stericycle.

Các chất gây dị ứng không được khai báo là nguyên nhân của 46% các vụ thu hồi thuộc thẩm quyền của FDA, chiếm 81% các đơn vị thực phẩm bị thu hồi trong quý 4 năm 2018. Một vụ thu hồi kẹo lớn chiếm tới 80% trong số các đơn vị thực phẩm bị thu hồi dưới sự giám sát của FDA.

Theo Stericycle có tổng cộng 156 vụ thu hồi thực phẩm do FDA quản lý trong quý cuối năm 2018.

Stericycle cũng đã tổng hợp và theo dõi dữ liệu thu hồi từ nhiều nguồn khác nhau bao gồm FDA, USDA, Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng và Cơ quan Quản lý Giao thông và Đường cao tốc Quốc gia.

Phương Thảo