Nỗi lo ngộ độc thực phẩm ngày Tết và cách xử lý

(SHTT) - Ngày Tết là thời điểm chất lượng thực phẩm khó kiểm soát vì vậy thường xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa. Vì vậy mọi người cần nắm rõ những kiến thức để xứ lý khi rơi vào tình trạng này.

Cách xử lý khi bị ngộ độc thực phẩm ngày Tết

Đối với các trường hợp bị ngộ độc thực phẩm, khi sơ cứu cần chú ý chỉ gây nôn khi bệnh nhân tỉnh và không gây nôn nếu bệnh nhân là trẻ em, vì trẻ rất dễ bị sặc. Tuyệt đối không cho người bị ngộ độc thực phẩm dùng các thuốc chống tiêu chảy vì các thuốc này có thể làm chậm quá trình đào thải vi khuẩn, chất độc ra khỏi cơ thể.

Theo các bác sĩ, khi bị ngộ độc thực phẩm mà bệnh nhân vẫn tỉnh táo, nói chuyện được, cần cho bệnh nhân uống nước canh, nước hoa quả, bù nước, bù muối. Thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn - Trưởng khoa Đông y - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khuyên cho người bệnh uống nước trà đường nóng để bù nước, cầm đi lỏng, phân giải hòa loãng chất độc. Có thể dùng nước sắc lá sim, lá ổi, núm hoa chuối tiêu, vỏ măng cụt… sao vàng sắc đặc cho uống.

 

Nếu bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm mà không tỉnh táo, thở yếu, hoặc ngừng thở, người nhà cần phải cấp cứu tại chỗ như hô hấp nhân tạo, đặt bệnh nhân nằm nghiêng sang bên phải, rồi đưa đi cấp cứu.

Với trường hợp ngộ độc xảy ra sau khi ăn phải thức ăn gây độc sau 6h, lúc này chất độc đã bị hấp thu một phần vào cơ thể, thì cần xử trí bằng cách:

Dùng chất trung hòa: nếu người bị ngộ độc do những chất acid có thể dùng những chất kiềm chủ yếu như: nước xà phòng 1%, nước magie oxyt 4%, cứ cách 5 phút cho người bệnh uống 15ml. Tuy nhiên, tuyệt đối không được dùng thuốc muối để tránh hình thành C­­O2 làm thủng dạ dày cho bệnh nhân có tiền sử loét dạ dày. Nếu người bị ngộ độc do chất kiềm thì cho uống dung dịch acid nhẹ như: dấm, nước quả chua….

Dùng chất bảo vệ niêm mạc dạ dày như: dùng bột mì, bột gạo, sữa, lòng trắng trứng gà, nước cháo…để ngăn cản sự hấp thu của dạ dày, ruột đối với chất độc.

Dùng chất kết tủa: nếu bị ngộ độc kim loại (chì, thủy ngân…) có thể dùng lòng trắng trứng, sữa hoặc 4 – 10g natri sunfat.

Dùng chất giải độc: với người bị ngộ độc kim loại nặng, axit… có thể uống kết hợp với chất độc thành chất không độc như: uống hỗn hợp than bột, magie oxit.

Những dấu hiệu bị ngộ độc thực phẩm

 

Đau bụng và tiêu chảy nhiều lần

Đối với người bị ngộ độc thực phẩm, triệu chứng dễ nhận thấy đầu tiên là đau bụng và tiêu chảy. Tiêu chảy có thể ra máu, đặc biệt nếu ngộ độc thực phẩm là do vi khuẩn Shigella, Salmonella, Campylobacter hoặc vi khuẩn E. coli gây ra. Các dấu hiệu và triệu chứng đi kèm phổ biến khác có thể bao gồm tiếng ùng ục trong bụng hoặc đầy hơi và chướng bụng.

Đối với người già hoặc trẻ em, triệu chứng thường nặng hơn vì hệ miễn dịch yếu. Khi bị tiêu chảy nhiều lần sẽ dẫn tới hiện tượng mất nước và chất điện giải, có thể đe dọa đến tính mạng.

Cảm giác buồn nôn và nôn

Cảm giác buồn nôn và nôn vài giờ sau khi ngộ độc cũng là một trong những triệu chứng sẽ xuất hiện đầu tiên. Nếu các triệu chứng này không tự giảm dần và bạn nôn hoặc khó nuốt thường xuyên, cần ngay lập tức tới bệnh viện hoặc phòng khám gần nhất.

Cơ thể nóng dần lên

Cơ thể bạn sẽ bắt đầu nóng lên và bạn sẽ có các triệu chứng như cúm sau khi bị ngộ độc thực phẩm. Nếu bạn bị sốt hoặc nhiệt đột tăng đến 40 độ, cần đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.

Hải Tú