Miền nhớ

(SHTT) - Sài Gòn dẫu nắng có gắt đến mấy thi thoảng cũng phai màu, đủ để nhón khúc giao mùa lên hoa cỏ. Trách chi một chút đa đoan của Sài Thành cho lòng người dập dềnh tìm về miền nhớ. Dẫu biết miền nhớ ấy bao giờ cũng nguyên vẹn một nỗi niềm chung chiêng không lời hồi đáp.

 

Miền nhớ của tôi là rực vàng những thảm dã quỳ chao mình trong tiết trời Đà Lạt vào đông.

Dạo ấy, lần đầu tiên đặt chân đến vùng đất này, tôi như bị thôi miên giữa bạt ngàn hoa dã quỳ. Trải dọc từ sân bay Liên Khương vào đến trung tâm thành phố đầy những hoa là hoa. Chúng hoang dại và tình tứ đến lạ lùng. Chúng mọc thành từng vạt trên thăm thẳm cao nguyên. Chúng khoe mình giữa gió và nắng. Nói nắng cho xênh xang chứ kì thực ở đây, với bốn mùa núi thẳm và thung lũng xanh thì cái nắng cũng bị nhòa đi một nửa, không dữ dội, gay gắt như đồng bằng. Nhất là không như Sài Gòn - nơi tôi ở!

Nghĩ cũng lạ, không biết tự bao giờ mà Đà Lạt và Sài Gòn lại có mối dây liên hệ tình cảm thật khăng khít. Khi những cơn mưa đã không còn bất chợt, bầu trời Sài Gòn sáng nắng, chiều bỗng chuyển màu bàng bạc với chút gió se lạnh thì cũng là lúc ở Đà Lạt, dã quỳ đã dát vàng những ngọn đồi, con dốc. Và chính lúc này, giữa miền nhớ mênh mang, mùa đông dọn hẳn một không gian rộn rã để đón nàng xuân sắp sang, tôi biết chắc dã quỳ vẫn ngát, vẫn nồng nàn như chưa từng có sự trở mùa nào khác vậy. Chúng mặc nhiên bồi lở lên miền nhớ của tôi, làm tôi ngóng ngó hoài về nơi từng buông lòng mình trở lạnh.

Dã Quỳ không cần phải trồng thành vồng, thành luống cho một sự sắp đặt trật tự nào. Nó có mặt hầu như khắp nơi, bồng bềnh giữa phố, giữa núi. Chính thế nên tôi mới da diết dã quỳ, một loài hoa dại nhưng đài cát, nở rồi tàn, tàn lại nở suốt mùa khô cao nguyên. Những lúc dã quỳ say mình trong gió, tựa hồ tôi thấy Đà Lạt đong đưa mỉm cười ấm áp đến vô cùng. Ấm áp như… một nửa cái nắm tay mà tôi từng khao khát. Chỉ cần một nửa thôi, là đủ! “Đâu rồi nửa cái nắm tay. Một lần đủ nhớ, ngàn ngày phôi thai”. Có bao giờ, trong nỗi nhớ của ai đó gợi lên ký ức, ngày xưa… ta một lần chạm sắc dã quỳ?!

 

Miền nhớ của tôi là quán cóc ven đường có món bánh tráng nướng và sữa đậu nành nghi ngút nóng. Mà phải là trên vỉa hè đường Nguyễn Văn Trỗi, mới được. Quán mở khoảng 5h chiều đến nửa đêm, vừa đảm bảo vệ sinh lại ngon tuyệt. Ai về Đà Lạt cũng đều rỉ tai nhau phải thưởng thức hai món này ngay giữa cái lạnh nồng nàn phố núi. Như thế mới thấm vị!

Tôi đã từng dừng chân nơi đây, từng cảm nhận được cái thích thú khi cùng nhau đi dọc cung đường từ Nam Kỳ Khởi Nghĩa, không quẹo ra chợ mà rẽ chếch về phía tay trái để đi vào đường Nguyễn Văn Trỗi, cùng nhau xì xụp uống ly sữa đậu nành nóng, chia nhau mẩu bánh tráng giòn rụm vừa bẻ. Rồi lang thang trên triền dốc để cảm nhận cái lạnh chốc chốc lại luồn qua con phố, ùa vào chiếc áo len của người Sài thành không có kinh nghiệm chịu lạnh.

Mặc dù không khắc nghiệt như những ngày đông giá phương Bắc, nhưng chút nũng nịu và ngọt ngào se lạnh của Đà Lạt cũng đủ làm tôi vương vít, suýt xoa… Đà Lạt càng về khuya càng nặng hạt. Đấy không phải mưa xuân mà là sương. Và, nếu có đôi tình nhân nào đó không ngần ngại mà khoác lên vai nhau chiếc khăn choàng âu yếm, thì có lẽ là hình ảnh nồng nàn nhất về đêm của phố núi. Nghĩ đến đấy thôi, giọt sương đêm ngày xưa hình như nhòe lên đôi mắt tôi thì phải, cay nồng! Tôi dụi mắt làm nó tan ra thành nước và tự gọi tên đó là giọt đêm Đà Lạt. Giọt đêm sẽ chầm chậm và rả rích mà đếm giùm tôi… từng giọt… từng giọt vọng theo câu nhớ. Người ơi… giờ này người ở đâu?!

Miền nhớ của tôi còn là nhịp phách ngân nga vang lên từ những ca khúc nhạc Trịnh của quán Diễm Xưa. Quán nằm lọt thỏm trong núi, chơ vơ một góc thành phố như cố núp mình vào hoang vắng để tránh xa những ồn ào của phố thị. Lối đi xuống cầu thang hơi sâu. Ngồi trong quán nhìn ra… mặc dù tối nhưng cũng có thể cảm nhận được trong thấp thoáng ánh đèn hai bên là vách đá, vách đất. Sân khấu mộc mạc, không có đèn xanh đỏ, không có dàn nhạc hiện đại, chỉ có tiếng guitar vang trong đêm hòa quyện vào lời bài hát của những giọng ca ở đây. Họ hát mà như đang tự sự về cuộc đời mình. Mỗi người một vẻ. Đặc biệt, người nghệ sỹ đứng tuổi có thể chơi đa năng các loại nhạc cụ. Bài Diễm xưa thường được đánh không lời, nghe da diết đến lạ.

Ca sĩ quán này chuyên hát về nhạc Trịnh. Giữa lòng cao nguyên, nghe ca khúc Trịnh mà say một miền nao nao biêng biếc. Bao năm rồi mà tôi chưa từng quên… Khách ghé đây là những người mê nhạc Trịnh, muốn tận hưởng một khoảng không gian dịu ngọt cùng với người thân, bè bạn. Nhưng hôm ấy, hầu như là những cặp tình nhân, họ nép vào nhau mà say sưa thả hồn theo ca từ, giai điệu. Tôi cũng đi cùng anh. Tìm một chỗ ngồi nơi góc quán cho yên tĩnh. Dưới ngọn nến lung linh và hoa hồng nhè nhẹ đưa hương, tôi cảm thấy lòng mình thật nhẹ... nhẹ đến mức rồi một ngày tất cả mờ xa, chỉ còn là kỉ niệm. Con gió hôm nào lại run lên vì cánh cửa trái tim chỉ khép hờ đủ ấm. Lạnh. Tôi co người… phải chi có nhau?!

 

Đà Lạt là miền đất dường như rất dễ có cảm tình với du khách bởi nét dịu ngọt toát lên từ dư vị rất riêng của nó. Mỗi người khi đến nơi đây sẽ có góc nhìn, cảm nhận và kỉ niệm không ai chạm vào ai. Tôi cũng vậy… Duyên một lần se sắt bơ vơ… Cứ mỗi độ ngoài trời rắc một chút bàng bạc hơi xuân là tôi lại tìm về miền nhớ, lại để mặc lòng mình nghiêng theo về phương ấy mà tưởng tiếc khôn nguôi. Đà Lạt giờ này, dẫu sắp sang mùa nhưng dã quỳ vẫn còn nồng nàn lắm. Một chút hi vọng. Biết đâu, không gian mờ sương và giá lạnh, cung đường ngút ngàn mưa núi và thẳm xa lấm lem bụi đất kia vẫn đang đợi tôi về?! Và biết đâu miền nhớ vẫn đang đợi tôi về thắp lửa… xuân này?!

Hà Phương