Đào rừng các ngả nhộn nhịp đổ về Thủ đô ngày cận Tết

(SHTT) - Mỗi độ Xuân về, thị trường hoa đào rừng ở phố núi các tỉnh miền Bắc lại nhộn nhịp trên các cung đường từ núi cao về Thủ đô phục vụ nhu cầu sành chơi hoa rừng của người dân thành phố.

Hành trình khúc khuỷu của đào rừng về phố
Nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh Điện Biên, Yên Bái, Sơn La, Cao Bằng, Hà Giang… những nơi được mệnh danh là những “miền đào rừng,” cung cấp nguồn đào rừng cho thị trường Thủ đô Hà Nội dộn dã hẳn lên vào mỗi dịp cận Tết.

Đào rừng đổ về các ngả phố ở Thủ đô ngày cận Tết

(Ảnh minh hoạ: Internet)

Cả tuần nay, các con đường ở “vùng đào” phố núi các tỉnh, nhưng cung đường vòng vèo, uốn lượn men theo triền núi nào cũng kéo dài hàng chục km “đào rừng” tấp ra rìa đường để đợi khách đưa “về miền xuôi”. Ngoài các chuyến xe khách, xe ô tô tải nhỏ, xe con, còn có cả những tốp từ 2-4 người điều khiển những chiếc xe máy dã chiến, trên xe chở từ 2-3 gốc, cành đào rừng di chuyển, xuôi hướng về Hà Nội.
Với những người thồ đào rừng về Thủ đô bằng xe máy hàng trăm km quả là không dễ dàng gì trên cung đường vô số dốc đứng, khúc khuỷu, quanh co, đầy “sống trâu,” gồ ghề và bùn đất, sình lầy. Để “yên vị” được những gốc đào, cành đào rừng tán rộng, cao ngất, dựng đứng trên yên xe, người thồ phải tạo giá đỡ (bằng gỗ, hoặc sắt) chắc chắc và chằng níu với vô số loại dây thừng, dây thun.

Điều tối kỵ nhất của người thồ đào rừng là việc di chuyển nhanh để hoa, nụ, búp trên cành không bị tác động mạnh do rung lắc; việc điều khiển cho xe chạy chậm sẽ giúp cho người điều khiển kịp xử lý những tình huống cua gấp, đột ngột gặp dốc tức.

Quá trình vận chuyển đào rừng đòi hỏi người điều khiển xe máy phải thật nhuần nhuyễn động tác “sang số” và phải có “cảm giác vận tốc” để “thắng” được những con dốc cao ngất mà không bị đuối đà. Cả hành trình hàng chục km đường là một quá trình xe gằn gứ số 2, số 3 nên phải chia chặng dừng nghỉ "hợp lý."
Khi cái thú chơi đào rừng của người dân thành phố ngày một tăng và trở thành “mốt”, thì những “thương lái” cũng xem việc băng núi, luồn rừng, tìm kiếm nguồn đào rừng cung ứng ra thị trường cũng là cái “nghề” có thu nhập khá từ mỗi vụ Tết. 
“Phố đào rừng” ngập tràn trên các con đường Thủ đô

Tại nhiều con phố ở Hà Nội như Quảng Bá, Đội Cấn, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Hữu Thọ, Hai Bà Trưng… những ngày này, đào rừng hiện diện ở nhiều con phố, phố đào rừng cũng đã quen thuộc với hàng trăm gốc, cành đào rừng của hàng chục thương lái tập kết về đây.

Mặc định từ nhiều năm trước, nơi thương lái tập kết, bày bán đào rừng là địa điểm mà nhiều năm trước đây họ đã hoạt động; do có sự phần chia như vậy nên các thương lái cũng không tranh giành chỗ bày bán. Với những người lần đầu mang đào rừng xuống phố thì “thiệt thòi” hơn khi phải bày bán đào rừng ở xa trung tâm thành phố hơn.

Đào rừng được bày bán ngày càng nhộn nhịp ở các con phố Hà Nội

(Ảnh minh hoạ: Internet)

Mỗi ngày, phố đào rừng Nguyễn Hữu Thọ, Đội Cấn, Quảng Bá… bắt đầu hoạt động và nhanh chóng nhộn nhịp, sầm uất từ lúc tờ mờ sáng đến tận chiều tối. Dòng người đỏ về đây nhiều, thương lái thì bận rộn cảnh thồ đào, hạ cành, gốc xuống lề đường bày bán, rồi luôn tay cắt tỉa cành, tạo dáng cho cây, đẽo gọt gốc và bôi vôi, hơ lửa kích thích cho hoa, nụ nở kịp; khách hàng thì ngắm chọn, mặc cả giá mua...
Thị trường đào rừng dịp Tết có giá mặt bằng chung cao hơn so với năm 2018. Vào thời điểm này, mức giá thấp nhất cho một cành đào rừng dao động từ 200.000-700.000 đồng, cao thì tiền triệu trở lên đối với một cành, gốc đào rừng.

Theo nhiều khách hàng, kiểu dáng, kích thước và quy mô gốc, cành đào rừng năm nay không đa dạng và chất lượng hoa không đẹp như mọi năm. Điều này cũng gây trở ngại cho người dân khi phai lựa được cành, gốc đáp ứng được yêu cầu giá cả, kích thước để hợp không gian gia đình, công sở.

Khó khăn cho người đi mua đào rừng năm nay là những cành, gốc có giá rẻ thì lại không có hoa, nụ, dáng thế không có, ngược lại, những gốc, cành đáp có búp, nụ và kiểu dáng, thế dứng thì giá lại “vượt khỏi túi tiền.”

Khác với vẻ kiêu sa, thắm đỏ của đào Nhật Tân, sắc hoa đào rừng chỉ phớt hồng, dịu nhẹ; nếu so về kiểu dáng, thế đứng thì đào rừng vượt trội so với các loại đào ta xuất xứ từ nhiều vùng miền bởi đào rừng mang đặc tính hoang dại, ban sơ của núi rừng. Điều làm nên “sức hút” ở cành đào rừng là sắc hoa; dáng thế tự nhiên được tạo lập trong môi trường đầy nắng, gió và sự khắc nghiệt của núi rừng sơn cước; màu mốc và sự sần sùi, có mảng bám rêu xanh ngoài lớp vỏ...

Với người dân trên mảnh đất ngàn năm văn hiến Hà Nội, khi bắt gặp những nụ đào rừng phơn phớt đỏ đậu trên những cành cây khẳng khiu, vừa kịp khoe dáng, soi bóng trên đồi, khe suối là lúc bà con đã biết mùa Xuân đang ngấp nghé về.

Hải Vy