NSƯT Bùi Cường nổi tiếng với vai Chí phèo trong làng Vũ Đại là ai?

(SHTT) - NSƯT Bùi Cường đã qua đời vào sáng sớm 3/8 tại bệnh viện sau 10 ngày bị tai biến. Sự ra đi của ông là mất mát lớn của nền điện ảnh nước nhà và khiến nhiều bạn bè, đồng nghiệp bàng hoàng.

Ngày 3/8, nhiều người ngỡ ngàng trước thông tin NSƯT Bùi Cường - người gắn liền với vai diễn Chí Phèo qua đời. Nhiều nghệ sĩ như NSND Minh Châu, nghệ sĩ Diệu Thuần, nghệ sĩ Thanh Quý... đều bày tỏ sự tiếc thương trước sự ra đi đột ngột của người đồng nghiệp.

Được biết, nam diễn viên Bùi Cường sinh năm 1945 tại Hà Nội.

Trước khi đến với điện ảnh, ông đã tốt nghiệp Trung cấp Kỹ thuật Điện và từng làm việc tại Xí nghiệp điện Tam Quang (Sở Công nghiệp Hà Nội). Trong thời gian ở đây, ông đã tham gia đội kịch công nhân thành phố và đã từng đoạt Huy chương Vàng với vở diễn “Anh Tư”.

Bước vào tuổi 25, ông nhờ người yêu (là vợ bây giờ) nộp hồ sơ thi vào trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh. Với tiểu phẩm “Dạy em”, ông đã trúng tuyển lớp diễn viên khóa II của trường. Cùng học với ông thời đó có: NSND Đào Bá Sơn, NSND Minh Châu, NSƯT Quốc Trọng, NSƯT Thanh Quý, nghệ sĩ Vũ Đình Thân... Vì ông là người lớn tuổi nhất lớp nên được bầu làm lớp trưởng. Sau khi tốt nghiệp, ông được nhận về làm việc tại Hãng Phim truyện Việt Nam. Từ đó, ông bắt đầu con đường điện ảnh của mình với những thành công ngoài mong đợi.

 

Đặc biệt, với vai diễn Chí Phèo, Bùi Cường đã "đóng đinh" mình vào tâm trí khán giả. Vai diễn này đã mang lại cho ông Huy chương Vàng dành ở hạng mục Diễn viên chính xuất sắc nhất trong Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 6 (năm 1983).

Bộ phim Làng Vũ Đại ngày ấy ra đời vào năm 1982 dưới bàn tay nhào nặn của đạo diễn, NSND Phạm Văn Khoa và đã được xếp vào hàng những tác phẩm kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam thế kỷ 20. Cùng với bộ phim Chị Dậu (1980), Làng Vũ Đại ngày ấy khắc họa chân thật cuộc sống nông thôn cũng như nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội nửa phong kiến của Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám (1945). Và những thăng trầm lịch sử, nỗi đau thời đại được thể hiện một cách sống động qua các phận đời nhỏ bé. Đó là Lão Hạc (Kim Lâm), thầy giáo Thứ (Hữu Mười), Thị Nở (Đức Lưu) và Chí Phèo (Bùi Cường). Chuyển thể và kết hợp từ ba tác phẩm văn học nổi tiếng trước đó của nhà văn Nam Cao là Sống mòn, Chí Phèo và Lão Hạc; Làng Vũ Đại ngày ấy vẫn cho thấy sự sáng tạo và cá tính điện ảnh qua nghệ thuật dựng phim và trên hết là diễn xuất của dàn diễn viên.

Ở độ tuổi 37, cố nghệ sĩ Bùi Cường dành hết tâm huyết để lăn xả cho vai diễn Chí Phèo, ông từng nói với đạo diễn: “Bác bắt cháu cạo trọc cháu cũng làm”. Không phải bỗng dưng mà hình ảnh Chí Phèo của Làng Vũ Đại ngày ấy đóng đinh trong lòng người xem cho đến tận bây giờ. Đó là nhờ sự hi sinh làm xấu trên màn ảnh, thậm chí là cắt phăng mái tóc dài lãng tử của diễn viên Bùi Cường ngày đó. Qua đó, nhân vật Chí Phèo vừa hay, vừa khó ấy đã đem lại hình ảnh chân thực, mộc mạc mà cũng gây ám ảnh nhất đến với khán giả.

Bên cạnh đó, chính nam diễn viên cũng là người cùng với đạo diễn tạo nên những nét cá tính riêng biệt cho tác phẩm. Qua diễn xuất của NSƯT Bùi Cường, “anh Chí” lần đầu cất tiếng hát, vì theo ông, Chí Phèo chửi mãi, nói mãi cũng đã nhàm rồi, những câu hát xiên xẹo, rên rỉ trong miệng khi đã ngấm men rượu sẽ khiến nhân vật độc và lạ hơn.

Sự thiếu thốn về vật chất, kỹ xảo hay thậm chí là đồ hóa trang khiến vai diễn Chí Phèo của cố nghệ sĩ càng đáng trân trọng hơn. Không có cách “hóa xấu” dễ dàng như thời nay, NSƯT Bùi Cường từng phải vào bệnh viện xin keo tạo sẹo mắt, kem chuyên dụng của phụ nữ mang thai để tạo làn da nhăn, đầy sẹo… Đó là chưa kể thời gian, công sức ông bỏ ra để tập đôi mắt mơ màng, dáng đi chuệch choạng và tiếng cười chẳng giống ai của “anh Chí”…

 

Sau thành công của vai Chí Phèo, Bùi Cường được mời vào một loạt vai diễn tiếp theo như: Trần Tuấn trong phim “Phút thứ 89” (đạo diễn Quốc Long), Trần Quân trong phim “Kẻ giết người” (đạo diễn Hoài Linh), Tướng cướp trong “Dòng sông vàng” (đạo diễn Kiều Tuấn), Mộc trong phim “Không có đường chân trời” (đạo diễn Nguyễn Khánh Dư), chủ quán trong phim “Vụ áp phe Đông Dương” (đạo diễn Trần Đắc) Năm Hòa trong phim “Biệt động Sài Gòn” (đạo diễn Long Vân)...

Đầu những năm 1990, Bùi Cường chuyển sang làm đạo diễn với phim đầu tiên Anh hùng râu quặp, khởi đầu cho thời kỳ nhiều phim “mì ăn liền” thời đó như Chuyện tình một ngôi sao, Kẻ cướp cô dâu. 

Sau đó ông chuyển sang làm phim truyền hình cho VTV ở chuyên mục Văn nghệ chủ nhật. Ông từng giành Huy chương vàng Liên hoan truyền hình toàn quốc 2004 với phim “Vị tướng tình báo và hai bà vợ”.

 Bùi Cường là một trong số nghệ sĩ có cuộc sống gia đình viên mãn, cuộc hôn nhân kéo dài 40 năm nay. Con gái không theo nghiệp bố, nhưng con rể theo ông làm đạo diễn.

Vân Anh