Hà Nội: HUD, Hải Phát, Viglacera... bị 'bêu tên' vì vi phạm PCCC

(SHTT) - Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội vừa công bố danh sách 91 cơ sở, công trình nhà cao tầng vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy. Điều đáng nói, trong danh sách này có nhiều "ông lớn" trên thị trường bất động sản.

Chung cư HHB do Công ty CP Đầu tư Hải Phát làm chủ đầu tư tồn tại nhiều vi phạm về PCCC. Ảnh: Dân Trí

Cảnh sát PCCC Thành phố Hà Nội cho biết vừa qua các đơn vị nghiệp vụ đã rà soát, kiểm tra các cơ sở, công trình nhà cao tầng về các quy định về PCCC.

Trong quá trình rà soát, Cảnh sát PCCC đã công bố danh sách 91 công trình cao tầng cần khắc phục các tồn tại vi phạm về PCCC, nhằm ngăn ngừa tai nạn cháy nổ, đảm bảo cuộc sống cho cư dân.

Điều đáng nói, trong danh sách vừa công bố có rất nhiều khu chung cư cao tầng vi phạm PCCC; nhiều chủ đầu tư được xem là “ông lớn” trong làng BĐS nhưng lại có nhiều tòa nhà chung cư đang tồn tại và vi phạm PCCC gây mất an toàn cho cư dân.

Có thể kể đến như: Tổng Công ty Phát triển nhà và Đô thị HUD gồm các tòa chung cư tại Khu đô thị Văn Quán-Vạn Phúc (phường Phúc La, quận Hà Đông) như: Tòa CT1 A và B; CT2 A và B; CT3 A và B; CT7 A và B.

Loạt chung cư Việt Hưng (quận Long Biên) của Tổng Công ty HUD gồm: GH3-GH4; GH5-GH6.

Tổng Công ty nhà và đô thị (Bộ Quốc phòng) gồm các tòa nhà như: Chung cư M5 (Trần Vỹ, Mai Dịch quận Cầu Giấy); Chung cư CT1; CT2; D22 ngõ 62 đường Trần Bình phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy). Khu ngoại giao đoàn (quận Bắc Từ Liêm) với một loạt chủ đầu tư vi phạm PCCC như: Tòa nhà N03-T8; Tòa nhà N03-T2.

Tổ hợp thương mại văn phòng và nhà ở để bán Eco Gree City thuộc Khu đô thị Tây Nam Kim Giang (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) của Công ty TNHH BĐS và Xây dựng Việt Hưng là chủ đầu tư.

Loạt chung cư hỗn hợp thuộc khu HH Bán đảo Linh Đàm quận Hoàng Mai; chung cư CT8; CT10 Đại Thanh (huyện Thanh Trì); CT5 Tân Triều (Thanh Trì); VP6 Linh Đàm… của Công ty xây dựng tư nhân số 1.

Công ty CP Tứ Hiệp Hồng Hà dầu khí với hàng loạt chung cư tại khu đô thị Tứ Hiệp (xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì) gồm CT4; CT5; CT6; CT15; CT16.

Ngoài ra còn có Khu đô thị Đặng Xá (huyện Gia Lâm) của Tổng Công ty Viglacera với một loạt các toà chung cư như C13; C14; C15; C16 A và B; tòa D1; D2; D3; D4.

Ngoài các chung cư cao tầng, trong danh sách của Cảnh sát PCCC còn có các khách sạn như Tirant, The Light, May de Ville (Hoàn Kiếm), trụ sở kho bạc cấp quận và trụ sở chi nhánh ngân hàng, toà nhà Golden Westlake, toà nhà Manchico (Tây Hồ)...

Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố Hà Nội khẳng định thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn chủ đầu tư khắc phục các thiếu sót, tồn tại về vi phạm các quy định phòng cháy chữa cháy.

Riêng với những công trình chung cư cao tầng vi phạm nghiệm trọng về an toàn phòng cháy chữa cháy nhưng chủ đầu tư, đơn vị quản lý chây ỳ, cố tình không chấp hành các biện pháp xử lý vi phạm hành chính, không thực hiện các nội dung kiến nghị, yêu cầu khắc phục của cơ quan có thẩm quyền thì xem xét, đề xuất chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự theo quy định tại Điều 240 Bộ Luật Hình sự.

Trước đó, UBND TP Hà Nội cũng đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư cơ sở, công trình nhà cao tầng, siêu cao tầng còn các tồn tại, vi phạm về PCCC tại từng tòa nhà, công trình khẩn trương tổ chức thực hiện các giải pháp khắc phục những tồn tại, vi phạm về PCCC, thời hạn hoàn thành trước 30/6 tới.

Ngọc Anh (t/h)