Vụ cháy nhà xưởng tại Đài Loan: Nhiều lao động Việt Nam phải tạm thời nghỉ việc

(SHTT) - Việt Nam có 1.000 lao động đang làm việc cho công ty này, trong đó có 161 người đang làm việc tại xưởng Bình Trấn - nơi xảy ra hỏa hoạn.

Lính cứu hỏa nỗ lực dập tắt đám cháy. Ảnh Reuters 

Theo thông tin từ Ban quản lý lao động, thuộc Văn phòng Kinh tế và Văn hóa tại Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), vào lúc 21h ngày 28/4/2018, một vụ hỏa hoạn lớn đã xảy ra tại xưởng sản xuất, in bản mạch điện tử Bình Trấn, của Công ty HHCP Công nghiệp Kính Bằng (thị trấn Bình Trấn, thành phố Đào Viên, Đài Loan).

Tính đến trưa 29/4, vụ hỏa hoạn đã làm 5 cảnh sát phòng cháy và 2 lao động nước ngoài quốc tịch Thái Lan tử vong; 4 cảnh sát phòng cháy chữa cháy bị thương nhẹ và 1 người bị thương nặng. 

Việt Nam có 1.000 lao động đang làm việc cho công ty này, trong đó có 161 người đang làm việc tại xưởng Bình Trấn - nơi xảy ra hỏa hoạn.

Được biết, các lao động Việt Nam làm việc tại đây đều do Tổng Công ty Kinh tế kỹ thuật công nghiệp Quốc phòng (GAET) tuyển chọn đưa đi theo hợp đồng cung ứng lao động ký với 2 công ty môi giới Đài Loan là: Công ty HH Sâm Mỹ và Công ty HHCP nhân lực quốc tế Bang Đạt

Ngay trong đêm 28/4, sau khi có thông tin của vụ hỏa hoạn, Ban Quản lý lao động (thuộc Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc) đã liên hệ với Cục Lao động, Thành phố Đào Viên, hai Công ty môi giới là Công ty HH Sâm Mỹ và Công ty HHCP nhân lực quốc tế Bang Đạt để xác minh thông tin, tìm hiểu cụ thể tình hình người lao động Việt Nam đang làm việc tại xưởng Bình Trấn nêu trên. Theo thông tin từ Cục Lao động Thành phố Đào Viên và hai Công ty môi giới Đài Loan, tại thời điểm xảy ra vụ hỏa hoạn, toàn bộ lao động Việt Nam không làm việc tại xưởng nên không có ai bị thương vong.

Đơn vị cũng đề nghị với hai công ty môi giới Đài Loan về việc bố trí công việc cho người lao động bị mất việc làm do nhà xưởng bị cháy.

 Theo thông tin ban đầu, trước mắt nhà máy sẽ cho người lao động tạm nghỉ việc một thời gian để khắc phục sửa chữa lại nhà xưởng (trong thời gian tạm nghỉ vẫn được hưởng nguyên lương), đồng thời tính đến phương án di chuyển một số lao động sang phân xưởng khác của công ty để làm việc.

Mạnh Trường (t/h)