Chính phủ Thái Lan đối mặt thách thức mới

Trong khi lực lượng đối lập ở Thái Lan đang tích cực thu nhập bằng chứng về tính vi hiến của cuộc tổng tuyển cử với thắng lợi tạm thời thuộc về đảng cầm quyền Puea Thai, chính phủ tạm quyền của Thủ tướng Yingluck Shinawatra lại phải đối mặt với một thách thức mới từ các cuộc biểu tình của nông dân.

Sức ép nặng nề

Những ngày cuối tuần, hàng ngàn nông dân Thái Lan từ các tỉnh Đông Bắc, miền Bắc, miền Trung và một số tỉnh phía Tây đã đổ dồn về Bangkok để đòi Chính phủ nước này thanh toán các khoản nợ cho họ theo chương trình trợ giá gạo. Những nông dân này đã bao vây trụ sở Bộ Thương mại ở phía Bắc thủ đô, nơi trực tiếp thực hiện chương trình trợ giá gạo, để đòi lại tiền bán lúa của họ. Họ đã mang cả máy kéo, máy gặt và xe tải tới trụ sở này để “đòi nợ” chính phủ. Phần lớn trong số này đều nói rằng họ đã mất lòng tin bởi chính phủ liên tục khất nợ nhiều lần.

Trên thực tế, phong trào biểu tình của phe áo vàng do ông Suthep Thaugsuban lãnh đạo không những đã phong tỏa các cơ quan chính quyền mà còn ngăn cản các ngân hàng của chính phủ giải ngân cho người nông dân. Ông Suthep còn tuyên bố những người biểu tình sẽ tấn công và phá kho gạo của chính phủ để bán lấy tiền chi trả cho nông dân. Do đã bị cáo buộc rất nhiều tội danh như vi phạm luật tình trạng khẩn cấp, cản trở bầu cử... nên ông Suthep nói rằng có thêm một tội danh phá kho gạo cũng chẳng là gì.

Theo báo chí Thái Lan, đằng sau việc cổ vũ nông dân biểu tình ở Bộ Thương mại là một âm mưu lật đổ chính phủ. Nông dân dường như đang bị lợi dụng làm công cụ để gây sức ép đối với chính phủ tạm quyền. Hiệp hội Nông dân Thái Lan còn được khuyến khích gửi đơn kiện lên Văn phòng Ủy ban Chống tham nhũng, nơi đang điều tra bà Yingluck về chương trình trợ giá gạo.

Chính phủ Thái Lan hiện đang nợ nông dân khoảng 130 tỷ baht theo chương trình trợ giá gạo. Nhưng điều khó khăn nhất là chính phủ tạm quyền không có đủ quyền tự quyết các vấn đề tài chính để giải ngân. Theo luật pháp, khi quyết các khoản tài chính lớn, chính phủ tạm quyền đều phải xin ý kiến Ủy ban bầu cử để tránh gánh nặng nợ nần cho chính phủ mới. Hơn nữa, các ngân hàng đều đã từ chối cho vay, khiến sức ép đối với Thủ tướng Yingluck Shinawatra ngày càng lớn.

Thiệt hại chồng chất

Nền kinh tế Thái Lan được dự báo sẽ thiệt hại thêm 120 tỷ baht (khoảng 3,6 tỷ USD) và tăng trưởng kinh tế sẽ giảm thêm khoảng 1% nếu nước này không thể thành lập được một chính phủ mới trong vòng 6 tháng tới. Dự báo này đã được đưa ra trong một cuộc họp của Ủy ban thường trực hỗn hợp giữa thương mại, công nghiệp và ngân hàng. Tăng trưởng kinh tế Thái Lan từng được ước tính vào khoảng 4% - 5% trong năm nay, nhưng bất ổn chính trị kéo dài có thể khiến tăng trưởng GDP ít hơn 3%.

Trung tâm dự báo kinh doanh và kinh tế Thái Lan từng dự báo cuộc khủng hoảng hiện nay đang gây thiệt hại khoảng 40 tỷ baht cho nền kinh tế. Nguyên nhân của những thiệt hại này là do tiêu dùng và du lịch sụt giảm. Ước tính người tiêu dùng Thái Lan sẽ chi tiêu chưa tới 500 triệu baht/ngày, đồng thời thu nhập du lịch tính theo ngày cũng giảm khoảng từ 200 - 500 triệu baht.

Kết quả một cuộc thăm dò do trung tâm này tiến hành cho thấy lòng tin của người tiêu dùng đã giảm tới mức thấp nhất trong 2 năm qua chỉ vì nguyên nhân căng thẳng về chính trị. Đặc biệt tâm lý của người tiêu dùng mua xe hơi mới, nhà cửa mới, du lịch hoặc mở khoản đầu tư mới đã sụt giảm mạnh, xuống tới mức thấp nhất trong vòng 7 năm qua.

Theo Tổng cục Du lịch Thái Lan, diễn biến chính trị hiện nay cùng với việc áp dụng lệnh tình trạng khẩn cấp ở Bangkok và một số khu vực xung quanh đã khiến khoảng 2 triệu khách du lịch tránh xa nơi này, gây thất thu khoảng 80 tỷ baht. Dự báo được đưa ra sau khi cuộc tổng tuyển cử ngày 2-2 được tổ chức.

Tuy nhiên, trong trường hợp không thành lập được một chính phủ mới thì tăng trưởng kinh tế ở Thái Lan sẽ chỉ đạt khoảng 2%.