Vụ cà phê "nhuộm" bằng lõi pin: Đủ căn cứ xử lý hình sự?

(SHTT) - Ông Nguyễn Như Tiệp Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm Thủy sản (Bộ NN-PTNT) khẳng định vụ trộn lõi pin vào cà phê đủ căn cứ để khởi tố theo Bộ luật Hình sự.

Doanh nghiệp sử dụng lõi pin để tạo màu cà phê vừa bị lực lượng chức năng phát hiện. Ảnh: SGGP 

Liên quan đến vụ việc trộn lõi pin vào cà phê ở huyện Đắk R’Lấp (Đắk Nông), trao đổi với PV Báo SGGP chiều ngày 18/4, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho biết đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định của Luật An toàn thực phẩm. 

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm Thủy sản cho rằng, do cơ sở này sử dụng lõi pin để tạo màu cho cà phê nên có thể coi đây là việc sử dụng phụ gia thực phẩm không được phép sử dụng trong chế biến và bảo quản thực phẩm, nông sản. Vì vậy, căn cứ theo Nghị định 178 của Chính phủ thì có thể phạt tiền từ 70-100 triệu đồng. Đồng thời tịch thu và tiêu hủy toàn bộ tang vật. 

Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Như Tiệp, ngoài xử phạt hành chính thì từ năm 2017 đến nay chúng ta đã sửa đổi bổ sung Bộ luật Hình sự theo hướng xử phạt nặng các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm. Và nếu căn cứ Bộ luật Hình sự sửa đổi thì có thể phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng và có thể phạt tù từ 1-5 năm. 

Ông Nguyễn Như Tiệp khẳng định vụ trộn lõi pin vào cà phê đủ căn cứ để khởi tố theo Bộ luật Hình sự. 

Trước đó, vào ngày 16/4, Cảnh sát môi trường phối hợp với Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông bất ngờ kiểm tra cơ sở sản xuất trên và phát hiện cơ sở này có hành vi pha trộn tạp chất vào cà phê, sau đó cung cấp ra thị trường.

Theo báo Thanh Niên, tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện có hàng chục tấn cà phê bẩn cùng đất, đá được tập kết ở trong kho, trong đó có 12 tấn cà phê đã được nhuộm đen bằng pin Con Ó, 2 chậu chứa 35kg pin được đập vụn, 1 xô chứa lõi pin, 1 xô chứa nước màu đen và nắp pin với trọng lượng 10kg... dùng để nhuộm đen cà phê.

Bước đầu, chủ cơ sở khai nhận nguyên liệu chủ yếu được thu mua từ các loại cà phê thải, phế phẩm vỏ cà phê, cà phê vụn vỡ… ở các đại lý.

Sau khi các loại phế phẩm được đưa về, gia đình sử dụng pin đã đập dập, lấy bột màu đen trong pin hòa với nước rồi trộn chung vào cà phê. Khi nhuộm đen cà phê, gia đình rang, xay rồi đóng gói bán ra thị trường. 

Được biết, cơ sở của bà Loan hoạt động nhiều năm nay. Theo bà Loan, từ đầu năm 2018 đến nay, cơ sở của bà đã xuất bán ra thị trường hơn 3 tấn cà phê đã được nhuộm đen bằng bột pin.

Lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản, tạm giữ toàn bộ tang vật và lấy mẫu mang đi kiểm định để tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc.

Mạnh Trường (t/h)