Thức khuya làm tăng 10% nguy cơ tử vong sớm đối với người trưởng thành

(SHTT) – Tin xấu cho các cú đêm! Những người trưởng thành có thói quen thức khuya sẽ có nguy cơ tử vong sớm cao hơn so với những người có cùng độ tuổi nhưng có chế độ sinh hoạt tốt.

Một kết quả nghiên cứu mới về mối liên quan giữa nguy cơ tử vong sớm với thói quen thức khuya của con người được đăng trên tạp chí Chronobiology International đã chỉ ra rằng thói quen thức khuya lâu ngày sẽ làm tăng nguy cơ tử vong thêm 10%.

 

Kết quả này có thể giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về các khía cạnh khác trong vai trò của nhịp điệu sinh học đối với sức khỏe của con người.

Các nhà khoa học từ lâu đã nghiên cứu liệu thói quen thức khuya có ảnh hưởng như thế nào đối với con người. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người có thói quen ngủ muộn sau 10 giờ tối thường có tỷ lệ mắc các bệnh tiểu đường, bệnh tim và béo phì cao hơn.

Tác giả chính của nghiên cứu, nhà nhân chủng học tại Đại học Northwestern, bà Kristen Knutson nói: “Chúng tôi muốn nghiên cứu một khía cạnh mới mà chưa từng có ai làm trước đây. Chúng tôi muốn biết liệu thói quen thức khuya có làm tăng nguy cơ tử vong hay không?”

Nhóm đã thực hiện nghiên cứu trên 433.268 đối tượng trong độ tuổi từ 38 đến 73 dựa trên nền tảng dữ liệu từ một nghiên cứu đã được thực hiện trước đó mang tên Biobank của các nhà khoa học người Anh. Họ sắp xếp các đối tượng nghiên cứu theo thói quen sinh hoạt hằng ngày: những người thức khuya, những người đi ngủ sớm và những người đi ngủ trong khung giờ tiêu chuẩn.

Nhóm nghiên cứu cũng điều chỉnh một loạt các yếu tố bao gồm độ tuổi, thời gian ngủ mỗi ngày và hiện trạng sức khỏe của những người tham gia nghiên cứu.

Kết quả cho thấy vào thời điểm 6,5 năm sau khi nghiên cứu kết thúc, những người có thói quen hoạt động nhiều về đêm sẽ có nguy cơ đột quỵ cao hơn 10% so với những nhóm còn lại.

 

Knutson cho biết: “Những gi mà chúng tối tìm thấy là những “cú đêm”, những người có thói quen thức khuya cố định là những người có nguy cơ tử vong cao hơn so với những người đi ngủ trong khung giờ từ 9 tới 10 giờ tối”.

Hiện nhóm nghiên cứu vẫn chưa thể chỉ ra nguyên nhân chính xác tại sao những người có thói quen thức khuya lại có khả năng tử vong sớm cao hơn những nhóm đối tượng khác bởi vì nghiên cứu này chỉ nhằm xác định mỗi tương quan giữa việc thức khuya và nguy cơ tử vong sớm. Mặc dù vậy, các nhà khoa học cũng đã đặt ra được thêm những giả thiết mới cho những vấn đề này.

Tác giả chính của nghiên cứu nói rằng: “Chúng tôi nghĩ rằng vấn đề thực sự nằm ở chỗ những người thức khuya vẫn phải hoàn thành các sinh hoạt vào sáng sớm như những nhóm đối tượng khác. Thay vì được ngủ bù cho thời gian đã thức khuya, họ vẫn phải dậy sớm để đi làm, đi học. Những hoạt động đó vô hình chung được thực hiện lệch khung giờ sinh học tiêu chuẩn của con người”.

 

Bà cũng cho biết thêm rằng: “Sự không phù hợp giữa đồng hồ sinh học bên trong với hành vi và môi trường xung quanh con người sẽ trở thành vấn đề nghiêm trọng nếu nó được diễn ra trong thời gian dài liên tiếp”.

Mục tiêu tiếp theo của nhóm nghiên cứu là tìm ra các phương thức giúp cải thiện tình trạng sức khỏe và hạnh phúc của các cú đêm.

Nguyễn Huế