Tập tục xông đất đầu năm mới và ý nghĩa sâu sa về khát vọng thịnh vượng

(SHTT) - Tập tục xông đất đầu năm mới là một trong những nét văn hóa đặc sắc của người Việt hàng ngàn năm nay. Xông đất đầu năm còn thể hiên khát vọng về sự thịnh vượng, hạnh phúc.

Xông đất đầu năm (xông nhà năm mới) là một trong những tập tục truyền thống có từ lâu đời của người Việt. Người dân Việt Nam quan niệm ngày mồng 1 là ngày đầu của một năm, và nếu mọi việc xảy ra suôn sẻ, may mắn trong ngày này thì cả năm cũng sẽ được tốt lành thuận lợi.

Xông đất đầu năm mới là tập tục lâu đời trong văn hóa của người Việt.

Giờ xông đất bắt đầu từ sau giao thừa trở đi, khi tiếng chuông báo hiệu năm cũ đã qua, năm mới đến. Người xông đất là người được chọn lựa rất kỹ để đảm bảo may mắn và thịnh vượng cho gia chủ.

Chủ nhà sẽ chọn một người làm “nghi lễ” bước vào nhà mình đầu tiên trong năm mới, vào đêm giao thừa hoặc sáng mùng 1 Tết. Người xông nhà phải có tuổi hợp với chủ nhà và con vật đại diện của năm đó, đặc biệt tránh tuổi “tứ hành xung”. Đó cũng phải là người vui vẻ, rộng rãi, hạnh phúc thì gia chủ sẽ luôn may mắn, sung túc trong năm mới. Hay những người có tên hay, đẹp xông đất cũng là một niềm vui với gia chủ.

Tập tục xông đất đầu năm mới còn thể hiện khát vọng về sự thịnh vượng, an khang, hạnh phúc.

Người Việt thường tránh xông nhà người khác ngày mùng một Tết nếu trong gia đình mình có những chuyện không hay xảy ra trong năm qua. Các gia đình người Việt cũng rất kỵ những người có phẩm chất đạo đức không tốt, lười biếng xông nhà đầu năm.

Tập tục xông đất đầu năm mới còn thể hiện khát vọng về sự thịnh vượng, an khang, hạnh phúc của người dân Việt muôn đời nay khi bước sang năm mới.

Sơn Ca