Bé gái 8 tháng tuổi bị tiêm nhầm thuốc khó qua khỏi, gia đình đã đưa về nhà

(SHTT) - Liên quan đến vụ việc bé Nguyễn Hoàng Tr bị tiêm nhầm thuốc, chiều 22/1 bác sĩ BV Xanh Pôn cho biết không cứu được nữa nên gia đình đã làm thủ tục để đưa bé về.

Bệnh nhi Nguyễn Hoàng Tr (8 tháng tuổi, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội) vào cấp cứu tại BV Xanh Pôn từ ngày 15/1 sau khi được chẩn đoán tiêm nhầm thuốc tại BV đa khoa Đông Anh. Tuy nhiên, sau 1 tuần điều trị tích cực, tình trạng sức khoẻ của bệnh nhi luôn trong tình trạng nguy kịch, dấu hiệu cải thiện rất ít. Các bác sĩ đưa ra tiên lượng rất nặng. Thông tin trên báo Lao Động

Chiều ngày 22/1, bác sĩ BV Xanh Pôn cho biết không cứu được nữa nên gia đình đã làm thủ tục để đưa bé về.

 Bệnh nhi Tr khi đang điều trị tại BV Xanh pôn. Ảnh: Lao Động

Trước đó, VTC News đưa tin, các bác sĩ tại Khoa Hồi sức cấp cứu nhi, BVĐK Xanh Pôn cho biết, cháu Nguyễn Hoàng Tr. nhập viện trong tình trạng sốc, suy hô hấp, suy chức năng tuần hoàn và có dấu hiệu nhiễm khuẩn rất nặng.

Cháu được các bác sĩ gấp rút truyền dịch và cho dùng các thuốc vận mạch để chống sốc, đồng thời được chỉ định điều trị nhiễm khuẩn bằng kháng sinh, điều chỉnh các rối loạn nội môn, đặt nội khí quản, cho thở máy...

Kể từ đêm ngày 15/1 đến chiều tối 18/1, tình trạng sức khỏe của cháu Tr. tuy có phần cải thiện, nhưng tiên lượng vẫn rất nặng.

Theo Người Lao Động, ngày 15/1, bé Nguyễn Hoàng Tr. vào BVĐK Đông Anh trong tình trạng sốt cao, nôn, tiêu chảy. Gia đình bệnh nhi cho biết trẻ đã uống kháng sinh Aumentin, và hạ sốt không đỡ, gia đình đưa vào viện. Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhi được xác định là con đầu, đẻ thường, đủ tháng, chưa phát hiện bệnh lý gì đặc biệt, tỉnh táo, mệt nhiều, mắt khô trũng… rét run, nổi vân tím, hạch ngoại vi không sờ thấy, bụng mềm chướng nhẹ, gan lá lách ko to, họng viêm đỏ. Bệnh nhi được chẩn đoán tiêu chảy, viêm họng cấp theo dõi tim bẩm sinh, tiên lượng bệnh nặng, đã giải thích tình trạng cho gia đình.

Bệnh nhân đã được truyền dịch kháng sinh, hạ sốt, bù nước đường uống, theo dõi. Sau đó, trẻ tiếp tục chẩn đoán tiêu chảy cấp có mất nước, vẫn viêm họng cấp. Và được chỉ định truyền glucose, truyền tĩnh mạch, theo dõi sát toàn trạng, dấu hiệu mất nước, đồng thời, chỉ định kaliclorit 10%/5ml x 1ống, uống ½ ống/lần.

Tuy nhiên, đến 23 giờ 10 phút, sau khi điều dưỡng thực hiện y lệnh, bố bệnh nhân gọi bác sĩ khám lại. Lúc này, trẻ co cứng người, sốt nhẹ, môi da tím, thở nhanh… Thấy trẻ diễn biến bất thường, bác sĩ điều trị kiểm tra lại và phát hiện điều dưỡng Trang dùng Kali tiêm tĩnh mạch cho trẻ. Ngày sau đó, BV xử trí theo quy trình báo cáo y khoa sự cố nhầm lẫn đường dùng thuốc, đồng thời, mời hỗ trợ cấp cứu hồi sức tích cực, chẩn đoán tiêu chảy cấp mất nước, nhiễm khuẩn huyết, theo dõi ngộ độc kali; xử trí phác đồ cấp cứu, thải kali, theo dõi sát toàn trạng và chuyển viện cho bệnh nhân đêm cùng ngày.

Loan Hoàng (t/h)