Chuồn chuồn tre Thạch Xá - Đưa sắc màu tuổi thơ rực rỡ trở lại

(SHTT) - Sự phổ biến của đồ chơi công nghệ, đồ nhập ngoại hiện đại đã khiến những món đồ chơi truyền thống từng là kí ức của biết bao thế hệ Việt dần mất đi chỗ đứng. Tuy nhiên, tại Thạch Xá, Thạch Thất, Hà Nội vẫn còn những người miệt mài “giữ lửa” để sắc màu tuổi thơ ấy rực rỡ trở lại.

Vẻ đẹp rực rỡ của chuồn chuồn tre Thạch Xá

Thạch Xá, ngôi làng có lịch sử và truyền thống lâu đời đã ghi dấu ấn với biết bao tuổi thơ của con người Hà Nội bằng những món đồ chơi thủ công bình dị nhưng lại vô cùng ấn tượng.

 

Về nơi đây, chúng ta có thể thấy hàng trăm ngàn con chuồn chuồn tre đủ sắc, đủ màu. Không chỉ chuồn chuồn mà những người làm nghề nơi đây còn tạo nên vô vàn món đồ chơi dân gian khác từ thân tre mộc mạc.

Mỗi sản phẩm tuy nhỏ nhưng đều có những đặc điểm và màu sắc riêng, đặc biệt là chung có khả năng đậu ở mọi nơi mà không cần bất kì động cơ nào. Mỗi công đoạn để tạo nên chuồn chuồn đều được làm thủ công và phải trải qua khoảng 12 công đoạn, đòi hỏi người thợ phải kiên nhẫn, tỉ mỉ và chính xác.

Những cây tre được chuốt thẳng, rửa sạch, phơi khô rồi tạo hình uyển chuyển, sao cho đẹp mắt nhất.

 

Theo anh Nguyễn Văn Tái (một trong những người đầu tiên làm chuồn chuồn tre tại Thạch Xá), quan trọng nhất là khâu ghép cánh vào thân sao cho chúng luôn giữ được thăng bằng. Hai cánh chuồn chuồn phải cân đối, chính xác thì mới có thể tự thăng bằng khi đậu trên đế, ngón tay, thậm chí là cả sợi chỉ.

 

Mỗi hoạ tiết trên thân chuồn chuồn đều được lấy cảm hứng từ chính cuộc sống thôn quê và do chính tay người thợ vẽ lên để đảm bảo tính đẹp, độc, lạ của sản phẩm.

 

Chuồn chuồn bay qua lũy tre làng vươn ra thế giới

Những năm gần đây, một số gia đình làm chuồn chuồn tre ở Thạch Xá đã phối hợp với nhiều tổ chức, trung tâm văn hóa, du lịch thực hiện các dự án nghiên cứu, bảo tồn đồ chơi Việt cũng như tìm hướng đi cho chuồn chuồn tre ở thị trường nước ngoài.

Anh Tái chia sẻ: “Có nhiều du khách vô tình mua được chuồn chuồn tre ở các lễ hội đã tìm về tận làng chùa Tây Phương để có thể đặt hàng. Có nhiều khi, du khách còn đến tận xưởng để có thể xem quy trình làm nên các sản phẩm vì họ tò mò về cơ chế hoạt động của nó. Nhiều khách cũng rất bất ngờ khi biết tất cả mọi công đoạn đều được làm thủ công”.

 

Gia đình anh Tái cũng đã kết hợp với một số tổ chức xã hội như Trung tâm Nghiên cứu và bảo trợ trẻ em Cenforchil (thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kĩ thuật Việt Nam), tổ chức MyHanoi (Việt Nam) để thực hiện dự án nghiên cứu và bảo tồn đồ chơi Việt.

Bằng sự sáng tạo, đôi bàn tay khéo léo, những “nghệ nhân” làm chuồn chuồn đã đa dạng hóa các sản phẩm như công, chim bồ câu, bướm, rùa… để có thể thu hút nhiều khách hàng hơn. Những sản phẩm này cũng được nhiều người mua về làm quà tặng và xuất khẩu sang nước ngoài.

Từ món đồ chơi, đồ trang trí bình dị tưởng chừng bị quên lãng trong đời sống hiện đại ngày nay đã được những người thợ lành nghề Thạch Xá “hồi sinh” và bay xa, vươn xa hơn.

Mỹ Tâm